Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:18:26

Chuyện của cô giáo Luyến

Ngày đăng: 23/07/2016

Người phụ nữ ấy đã “gói ghém” nỗi đau cho riêng mình khi chồng hy sinh và cho đó là số phận. Ấy nhưng số phận thêm một lần nữa thử thách khi chữ “duyên” đưa chị đến với người thương binh nặng Trần Xuân Lộc. Lý giải cho điều này ở chị, chỉ có thể đó là tình yêu thương rất lớn, nghị lực vượt lên tất cả những nỗi sợ hãi thường nhật và tấm lòng bao dung nhân hậu vô bờ. Người phụ nữ ấy là cô giáo Lê Thị Luyến ở xóm Tiến Thịnh, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông (Phú Thọ).

10 ngày hạnh phúc và 10 năm…

23 tuổi-cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời thì cô giáo Lê Thị Luyến đón nhận tin dữ: Chồng cô-Trung úy Phạm Văn Vụ, Phó đồn trưởng Đồn 131 Mường Khương (Lào Cai) hy sinh. Hạnh phúc đến với chị mới vẻn vẹn 10 ngày thì chuỗi ngày đau khổ đã ập tới. Chị ngất đi trong vòng tay đồng nghiệp khi nghe tin chồng hy sinh.

Cho đến giờ, sau 37 năm kể từ ngày chồng hy sinh, cô giáo Lê Thị Luyến vẫn nhớ như in những kỷ niệm xưa. Chị Luyến chia sẻ: “Anh ở “tiền tuyến” còn tôi ở “hậu phương” nên thời gian bên nhau rất ít. Những lúc được về phép, anh dành nhiều thời gian cho tôi như bù đắp những ngày xa cách”. Suốt một thời gian dài, ngày nào chị Luyến cũng lấy thư của chồng gửi về cho mình ra để đọc. Đọc đến nỗi chị nhớ từng nét chữ, thuộc làu từng bức thư của anh, nhớ từng lời anh dặn: “Nếu em sinh con trai thì đặt tên là Việt, còn là con gái sẽ đặt tên là Phương…”. Vậy mà, những dự định ấy chưa thành hiện thực thì anh Vụ không bao giờ trở về nữa.

Thương binh Trần Xuân Lộc cùng vợ và con gái. 

Thương binh Trần Xuân Lộc cùng vợ và con gái.

Hôm tôi đến, chị đưa cho tôi xem hai kỷ vật của vợ chồng. Một ổ khóa có hình trái tim và một lá đơn xin vào Đảng. Chị bảo: “Chiếc ổ khóa này anh mua tặng tôi với quan niệm khóa chặt trái tim nhau suốt cuộc đời. Tôi luôn giữ gìn nó như bùa hộ mệnh. Bao nhiêu năm chuyển công tác, chuyển nhà ở, chiếc khóa vẫn song hành cùng tôi…”.

Cuộc chiến tranh nào cũng đều có mất mát, đau thương. Những bà mẹ mất con, người vợ mất chồng… Với cô giáo Luyến có chưa tới 10 ngày hạnh phúc để đau khổ suốt 10 năm sau đó. Suốt 10 năm ấy, không đêm nào chị không nhớ tới chồng… Để rồi, chị lao vào công việc, tham gia làm giáo viên ở khắp những vùng khó khăn nhất. 10 năm chị đóng chặt cửa trái tim. 10 năm ấy, chị nhận nuôi cậu con trai út con của chị gái (cháu Nghĩa) để anh rể cũng là một người lính yên tâm công tác.

Chấp nhận phía trước là chông gai

Cứ tưởng cuộc sống yên phận khi cô giáo Luyến có một đứa cháu để chăm sóc. Thế nhưng, khi cháu Nghĩa đủ lớn khôn lại quyết định trở về sinh sống cùng mẹ đẻ. Thế là, thêm một lần nữa chị chỉ biết khóc… Thời gian trôi đi, xung quanh có nhiều người muốn che chở, bù đắp, nhưng chị vẫn không chọn.

Duyên cuộc đời thế nào mà chị lại dành tình yêu cho anh thương binh nặng mất 91% sức khỏe Trần Xuân Lộc. Biết tin chị “nặng lòng” với anh Trần Xuân Lộc-người không còn khả năng tự sinh hoạt-thì người thân, bạn bè đều phản đối. Mọi người cho rằng: Nuôi một đứa trẻ thì chỉ có mấy năm đầu vất vả, còn lấy anh thương binh cuộc sống chỉ gói gọn trên chiếc xe lăn coi như là chấp nhận vất vả đến suốt cuộc đời. Thế nhưng, chị Luyến vẫn quyết định chấp nhận thêm lần nữa đối diện với hậu quả của cuộc chiến tranh dù biết rằng cuộc sống phía trước đầy chông gai, thử thách.

Lễ cưới giữa cô giáo Luyến và anh thương binh Trần Xuân Lộc được tổ chức ngay tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Phú Thọ. Hình ảnh cô dâu không váy cưới đẩy chiếc xe lăn giữa hôn trường khiến ai có mặt cũng cảm thấy xúc động. Có lẽ, chỉ có thể là tình yêu thương rất lớn, vượt lên trên số phận, vượt lên tất cả những nỗi sợ hãi thường nhật, chị mới có thể dũng cảm kết duyên, nên nghĩa vợ chồng với người thương binh ấy.

Cuộc sống mới, dù đã lường trước những khó khăn nhưng chị Luyến không ngờ mọi thứ lại vất vả đến thế, nhất là những lúc trái gió trở trời, vết thương lại hành hạ anh Lộc. Chị Luyến nhớ lại: “Có những hôm, tôi trắng đêm ngồi xoa bóp cho anh. Anh đau, tôi cũng giàn giụa nước mắt. Mọi sinh hoạt của anh đều phải có sự trợ giúp của tôi. Bù lại, anh yêu thương tôi nhiều lắm”. Và rồi, hạnh phúc của cô giáo Luyến và anh thương binh nặng Trần Xuân Lộc cũng đơm hoa kết trái khi chị sinh hạ được cô con gái và đặt tên là Phương. Phương bây giờ cũng là cô giáo và có chồng là bộ đội.

Hôm có mặt ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Phú Thọ, chứng kiến hình ảnh chị Luyến ân cần chăm sóc thương binh Trần Xuân Lộc trên chiếc xe lăn, tôi thêm hiểu rằng, cuộc đời những người thương binh như anh Lộc cần lắm những tấm lòng như chị Luyến…

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top