Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 10:45:24

Chuyện Bác Hồ ứng cử và bầu cử

Ngày đăng: 20/05/2016

Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946, Bác Hồ ứng cử tại thủ đô Hà Nội. Sắp đến ngày bầu cử, với tình cảm và sự thành kính dành cho Bác, 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đã công bố bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.

Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Thế nhưng, Bác Hồ đã viết bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân. Bức thư Bác viết có đoạn: “Tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”.

Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, Bác Hồ trúng cử với số phiếu rất cao. Khi được Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Người phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.

 Bác Hồ bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I . Ảnh tư liệu.

Bác Hồ bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I . Ảnh tư liệu.

14 năm sau, ngày 15-4-1960, phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 12 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những cống hiến của Quốc hội và khẳng định: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn Quốc hội khóa I và tin chắc rằng Quốc hội khóa II sẽ tiếp tục đưa hết tinh thần và lực lượng để đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng theo con đường mà nhân dân đã lựa chọn.

Cũng trong năm 1960, ngày 24-4, phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri Thủ đô, sau khi cảm ơn đồng bào nhất trí yêu cầu Người và các vị khác ứng cử vào Quốc hội khóa II, Người thẳng thắn hứa với đồng bào: “Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

Không chỉ thực hiện đúng nghĩa vụ, bổn phận của người ứng cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng về thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, cận vệ của Bác Hồ, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) kể lại: Chiều 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử HĐND cấp huyện và xã; bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, Tiểu khu 1, Khu phố Ba Đình, TP Hà Nội đặt tại Nhà thuyền (Hồ Tây). Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý đề nghị mọi người dừng lại, ưu tiên Bác bỏ phiếu trước. Thấy vậy, Người nói thẳng thắn: “Ai đến trước, bầu trước; Bác đến sau, Bác chờ”. Sau đó, Người gương mẫu chờ đến lượt mình mới tiến hành bầu cử. Nghĩa vụ là vậy, còn về “quyền”, Bác cũng kiên quyết thực hiện đúng quyền của mình. Bác yêu cầu đưa lý lịch những người ứng cử để Người cân nhắc lựa chọn. Bấy giờ, một nhà báo định chụp ảnh Bác đang bầu cử, Người lấy tay che lá phiếu và ngăn lại: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!”.

Sắp đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cùng ôn lại những câu chuyện về Bác, để học Người cách thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân yêu nước, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử lần này.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top