Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 06:53:58

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người thầy kiệt xuất của báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 19/06/2021

QK2 – Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ sử dụng báo chí như một thứ vũ khí sắc bén, công cụ hỗ trợ trong công cuộc tuyên truyền, đấu tranh vì hòa bình, độc lập. Người luôn coi làm báo và chỉ đạo báo chí là một nhiệm vụ cao cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy kiệt xuất của báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh TƯ LIỆU).

Trong những năm tháng bôn ba ở nhiều nước, làm nhiều công việc, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng muốn tiếng nói, tư tưởng của mình được biết đến, không gì tốt hơn, hiệu quả hơn là thông qua phương tiện báo chí. Người tranh thủ, tận dụng tối đa thời gian, vừa tự học tiếng, vừa học viết báo. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên đã kể lại buổi đầu học viết báo của Nguyễn Ái Quốc: “Ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người Chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm, sáu dòng cũng được”. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp, ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa chữa…”.

Những ngày đầu học viết báo, Nguyễn Ái Quốc được bạn bè, đồng nghiệp chỉ dẫn. Ông Jean Laurent Frederick Longuet, cháu ngoại của Karl Marx là một trong những người tận tình chỉ dẫn Nguyễn Ái Quốc làm báo trên đất Pháp thời ấy. Khi, đó, ông ấy là Chủ nhiệm tờ báo Dân chúng (Populaire), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp, có lời mời Nguyễn Ái Quốc cộng tác viết bài cho báo, khuyến khích, thuyết phục Bác rằng, đó là cách làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ về sự thật bất công ở Việt Nam.

Từ những đúc kết, trải nghiệm và hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp, bạn bè người Pháp, cây bút Nguyễn Ái Quốc ngày càng trở nên vững vàng. Ngay từ những bài báo đầu tiên, với văn phong và lý lẽ sắc bén, cây bút Nguyễn Ái Quốc đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt của độc giả. Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà Nguyễn Ái Quốc ký tên đề gửi các đại biểu các nước dự Hội nghị Versailles năm 1919 đã đồng thời được đăng lên 2 tờ báo xuất bản ở Paris là l’Humanité và le Populaire de Paris cùng ngày 18/6/1919.  

Học viết báo, làm báo và quyết tâm dùng báo chí làm vũ khí tư tưởng sắc bén, Bác đã cùng các đồng chí xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” – Le Paria do chính Bác làm chủ bút kiêm chủ nhiệm chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và bán báo. Ngày 1/4/1922, Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số báo đầu tiên bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc. Bác từng mang báo đến các buổi mít tinh phát cho dân chúng. Tờ Người cùng khổ xuất bản được 38 số, mỗi kỳ xuất bản trên dưới 5.000 bản vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thúc đẩy các dân tộc bị áp bức đấu tranh cách mạng. Không những vậy, Nguyễn Ái Quốc còn viết cho rất nhiều tờ báo khác và tạo ra phong cách báo chí mang rất riêng, đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân.  

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên – cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác-Lênin, viết bằng quốc ngữ, được phổ biến rộng khắp cả nước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác chỉ thị thành lập Đài Phát thanh quốc gia. Bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn không ngừng viết, theo dõi báo chí, các bài viết mang tính chỉ đạo, định hướng, cổ vũ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc nước nhà;  chỉ đạo việc mở lớp đào tạo các nhà báo.  

Cho tới trước ngày đi xa tháng 9/1969, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký các thể loại với hơn 170 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán và là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi báo chí là một kênh thông tin có sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, giáo dục cán bộ, hướng dẫn nhân dân, tổ chức phong trào, bày tỏ chính kiến đối với mọi vấn đề thời cuộc của đất nước, thế giới … 

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” – Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, trang 616.

VIỆT LONG (Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.