Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 09:20:58

Chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi

Ngày đăng: 06/03/2019

LTS – Tình hình lây lan dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp. Trên phạm vi cả nước, trong vòng một tháng trở lại đây, đã có 202 hộ ở 7 tỉnh, thành báo cáo có dịch, hơn 4.200 con lợn đã bị tiêu hủy ngay khi có kết quả dương tính với dịch bệnh. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phòng chống dịch bệnh này không chỉ là việc của Cục Thú y. "Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát và lây lan diện rộng".

Có mặt tại Sư đoàn 316 những ngày này, Phóng viên Báo Quân khu 2 được Thượng tá Hoàng Quang Hồng, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn trao đổi một số biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ bệnh dịch lây lan, không để ảnh hưởng đến đàn lợn cũng như đời sống bộ đội.

PV – Đề nghị đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn cho biết tình hình đàn lợn của Sư đoàn hiện nay ra sao?  

Thượng tá Hoàng Quang Hồng – Công tác chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng lâu nay được Sư đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tăng gia sản xuất của đơn vị, tạo nguồn thực phẩm chủ yếu tại chỗ. Duy trì, phát triển đàn lợn nhằm chủ động nguồn thực phẩm, bảo đảm thực phẩm tươi sống hàng ngày cho bộ đội, kiểm soát được yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm; góp phần giữ ổn định giá trước biến động của thị trường, giữ vững và nâng cao đời sống bộ đội; đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, bổ sung nguồn quỹ vốn củng cố đơn vị.

Sư đoàn thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn và đơn vị.

Chính vì lẽ đó, hằng năm, Phòng Hậu cần đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy Sư đoàn xác định chỉ tiêu chăn nuôi; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo cụ thể thực hiện chỉ tiêu tới từng cá nhân và đơn vị. Trên cơ sở đó, cấp ủy chỉ huy các cấp, căn cứ vào quân số biên chế, xác định rõ chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo thực hiện, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu từ 5 đến 10%/ năm.

Chỉ tiêu cụ thể được xác định, bình quân 3 người có một đầu lợn, đạt từ 100-120 con đối với tiểu đoàn bộ binh; từ 40 đến 70 con đối với tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn; 15-20 con đối với đại đội trực thuộc có bếp ăn. Lợn được nuôi 3-4 thế hệ kế tiếp để có sản phẩm thu hoạch đều, tránh thừa hoặc thiếu cục bộ. Hàng năm Sư đoàn đã tổ chức nuôi và thu hoạch bình quân đạt từ 220-250 tấn thịt lợn xô lọc trong toàn Sư đoàn.

Thực hiện chỉ tiêu, từ nhiều năm nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn duy trì đàn lợn khá ổn định. Hiện nay, tổng số đầu lợn của Sư đoàn là 2.160 con, trong đó lợn thịt 2.040 con, lợn nái là 120 con. Lợn được nuôi làm nhiều thế hệ, cơ cấu hợp lý, bảo đảm đủ cung cấp 100% nhu cầu nguồn thịt xô lọc theo nhu cầu của đơn vị.

PV – Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn hiện nay như thế nào, có tác động ảnh hưởng gì đến đàn lợn của đơn vị?

Thượng tá Hoàng Quang Hồng – Trước hết khẳng định, đàn lợn của toàn đơn vị hiện vẫn khỏe mạnh và đang phát triển tốt, chưa có dấu hiệu nhiễm dịch bệnh. Qua nắm tình hình trên địa bàn cũng chưa phát hiện ổ dịch nào. Chúng tôi cũng rất tin tưởng khả năng tự phòng dịch của đơn vị bởi cơ cấu đàn lợn thịt hợp lý, đàn lợn nái phát triển tốt, đơn vị chủ động được nguồn con giống.

Trước kia có những đợt dịch bệnh của lợn như bệnh tai xanh, lở mồm long móng và giờ đây trước diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng hầu như chưa bị ảnh hưởng, nhiễm bệnh. Quy mô, cơ cấu đàn lợn của Sư đoàn vẫn ổn định.

 PV – Mặc dù chưa có dịch bệnh nhưng đơn vị đã thực hiện biện pháp gì để phòng, chống dịch không để ảnh hưởng đến đời sống bộ đội?

 Thượng tá Hoàng Quang Hồng – Mặc dù trên địa bàn đóng quân và Sư đoàn chưa phát hiện dịch nhưng đơn vị cũng chủ động đề phòng ở mức cao nhất, tránh dịch bệnh có cơ hội lây lan ảnh hưởng vào đơn vị.

Chúng tôi đã chủ động nắm thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như văn bản chỉ đạo của cấp trên, từ đó phổ biến cho đơn vị, đến từng cán bộ, chiến sĩ nắm bắt để nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch, tác hại khi có dịch bệnh cũng như tăng cường ý thức cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đồng thời cũng tránh tâm lý sợ bệnh dịch, sợ lây sang  người có thể tạo dư luận không đúng trong đơn vị và khu vực đóng quân. Cơ quan hậu cần đã tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo đơn vị tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, chủ động phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực chuồng nuôi. Thực hiện sát khuẩn định kỳ 1 đến 2 lần/tuần bằng vôi bột, vôi củ, thuốc cloraminb, dung dịch BKA, nước vôi 10%. Chỉ đạo đối với đàn lợn con các đơn vị cần chủ động đóng ván gỗ làm sập cho lợn nằm, đảm bảo giữ ấm tránh lợn tiếp xúc với nền chuồng ẩm ướt ảnh hưởng đến sức khỏe đàn lợn.

Hằng ngày, thông qua hội nghị giao ban, cơ quan nắm chắc tình hình diễn biến của địa bàn cũng như tình hình sức khỏe đàn lợn; kiểm tra nghiêm ngặt việc xuất – nhập thực phẩm cũng như theo dõi, có thể khử khuẩn các loại phương tiện, người ra – vào đơn vị liên quan đến khu vực chăn nuôi, trạm chế biến để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn lợn cũng như nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ. Tôi nghĩ rằng, với một số biện pháp cụ thể trên có thể đảm bảo an toàn nhất cho đàn lợn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

PV – Xin cảm ơn đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn!

VIỆT LONG (thực hiện)

Năm 1921, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao; tuy nhiên không lây nhiễm sang người. Virus dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, trong các cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn nếu khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời. Theo nghiên cứu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ở dạng cấp tính của bệnh do các chủng có độc lực cao, con heo có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, heo dần dần mất đi sự thèm ăn, chán nản. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.