Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:33:49

“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”

Ngày đăng: 05/01/2018

Đó là tư tưởng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi nói về vai trò của nhân dân đối với sự thịnh suy của vận nước. Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền. Bài học lịch sử trên lại một lần nữa được minh chứng trong sự kiện “Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang)”, điểm nóng về sự phản đối của người dân trong thời gian vừa qua.
Theo tính toán ban đầu, Trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt tại km 1999+900 Quốc lộ 1, với mục đích thu phí hoàn vốn đoạn đường tránh dài 12 km và sửa chữa cải tạo Quốc lộ 1 dài 26 km. Tuy nhiên, sau đó trạm thu phí này đã được “đổi vị trí” thành km 1999+300. Ngay khi đi vào hoạt động, BOT Cai Lậy đã vấp phải sự phản đối dữ dội của lái xe và người dân. Họ trả phí bằng cách trả tiền mệnh giá lớn 500.000 đồng, bằng tiền lẻ khi đi qua trạm, mang heo đến “cúng trạm”. Có lái xe còn “dùng chiêu” yêu cầu nhân viên trạm thu phí hoàn trả lại tiền thừa dù đó chỉ là 100 đồng khiến trạm thu phí này buộc phải xả trạm để giải quyết ùn tắc, hỗn loạn kéo dài. Cho đến nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải xả trạm đến hàng chục lần. Nghiêm trọng hơn, còn có hiện tượng tài xế bị chém nghi là có liên quan đến xe cẩu ô tô ở BOT Cai Lậy. Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch, việc ùn tắc, hỗn loạn kéo dài ở trạm thu phí này đã gây nên những hệ lụy nghiêm trọng trên cả hai mặt kinh tế và xã hội. Vì vậy, trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đưa ra quyết định dừng thu phí tại BOT Cai Lậy trong 1 tháng để tìm ra giải pháp.
Không phải tự nhiên người dân lại phản ứng tiêu cực như vậy. Trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí BOT nhưng không phải ở đâu cũng xảy ra tình trạng như ở Cai Lậy. Nhiều khu vực nhân dân rất hoan nghênh việc xây dựng đường BOT, tuyệt đối chấp hành việc thu phí theo đúng quy định. Vậy, câu hỏi đặt ra là căn nguyên của những phản ứng này là do đâu? Sở dĩ xảy ra tình trạng ở BOT Cai Lậy là do một loạt những bất hợp lý đang tồn tại trong dự án này. Một dự án không hề có sự thăm dò, lấy ý kiến của người dân; đầu tư chớp nhoáng để hợp lý hóa việc đặt trạm trên quốc lộ, thu phí của người dân trên toàn tuyến đường, giá vé thì không hợp lý… Tại sao họ phải trả phí ngay cả khi họ không đi con đường BOT? Người dân đấu tranh là hợp lý và vì những công bằng mà họ xứng đáng được hưởng.
Cũng đã có một số giải pháp được đưa ra để giải quyết câu chuyện này như giảm giá vé, có khu vực riêng cho các lái xe trả tiền lẻ, có thêm lực lượng duy trì trật tự… nhưng những giải pháp ấy dường như không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến tình hình trở nên căng thẳng, nhân dân thêm bức xúc. Nguyện vọng của người dân không phải chỉ là giảm phí mà quan trọng hơn là một câu trả lời, một giải pháp toàn diện, minh bạch để giải quyết hết được những bất cập kể trên.
Bác Hồ đã nói “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không làm nên “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là Chính phủ và Bộ GTVT phải nhanh chóng đưa ra một giải pháp sao cho “hợp lòng dân”, hài hòa lợi ích của các bên để ổn định tình hình và giữ vững niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Trong chỉ đạo của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Phù hợp với thực tiễn chính là hợp lòng dân. Nếu chúng ta biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân, đặt lợi ích của dân lên hàng đầu thì câu chuyện nào cũng có thể giải quyết.
QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.