Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 12:47:07

Chiêu trò suy diễn chuyện học sinh để chống phá Đảng

Ngày đăng: 19/09/2019

QK2 – Mùa thu là mùa của năm học mới. Thời điểm đất nước vào thu hằng năm cũng là dịp học sinh thanh thiếu niên, nhi đồng và toàn ngành giáo dục, mở rộng ra là toàn dân bước vào năm học. Năm học mới 2019-2020 vừa bắt đầu, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.

Đúng vào dịp khai giảng năm học mới, trên Đài Châu Á tự do và một số trang mạng xã hội tuyên truyền: “Sao đỏ” trong trường học sẽ hủy hoại nhân cách trẻ!”. Bằng những lý lẽ cực đoan, có phần thái quá khi đánh giá, nhận xét về hoạt động này. Từ việc “chộp” lấy những hình ảnh hoạt động theo dõi, giám sát học sinh của các em đội Cờ đỏ, những người viết bài này cố tình nhào nặn: Biến học trò thành “công an viên”; biến con trẻ thành "công cụ cai trị"  hay “Sao đỏ có thể dùng quyền lực của mình để bắt bạn phải hối lộ, có thể là tiền để không bị ghi tội” để phê phán về vị trí, chức năng của đội Cờ đỏ. Tệ hại hơn, bình, bàn hoạt động của đội này, họ suy diễn thành chuyện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ cho rằng, hoạt động này cũng là thực hiện “tập cho người dân quen dần đến mức mặc nhiên chấp nhận việc bị kiểm soát là tất yếu”; đây là “mầm mống của việc kiểm soát và bị kiểm soát đối với người dân từ bao lâu nay. Chính quyền muốn tạo cho các em học sinh thói quen chấp nhận việc này từ trong môi trường học đường”; “Đảng muốn đào tạo các em học sinh từ lúc nhỏ có những mầm mống xấu. Những em đó được coi như lực lượng hậu bị cho những người cộng sản, bởi chế độ cộng sản phải có những người cộng sản, mà những người cộng sản là những người rình rập đồng đội mình, đồng nghiệp mình rồi tranh giành quyền lực, cấu xé nhau…”

Học sinh Trường THCS thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ) chuẩn bị sách vở cho năm học mới.

Phải nói rằng, những luận điệu trên là hết sức xằng bậy, đánh trực diện vào tâm hồn trẻ thơ, làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ Việt Nam. Những kẻ tuyên truyền phản động này đã phỉ báng, phá hoại nền giáo dục Việt Nam.

Đội Cờ đỏ trong trường học thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh, đảm bảo sự công bằng khi thực hiện nội quy,  quy chế trong nhà trường. Từ những hoạt động của đội như: Tuyên truyền và vận động học sinh thực hiện nền nếp, nội quy, nếp sống văn minh thanh lịch. Phối hợp với các thầy cô chủ nhiệm và Ban chấp hành liên đội kiểm tra đánh giá được các mặt hoạt động của học sinh mà cốt lõi là quá trình rèn luyện nền nếp, đạo đức, học tập, rèn luyện, hạn chế loại bỏ những thói hư tật xấu, ngăn chặn những ảnh hưởng đến học sinh.

Không chỉ ở Việt Nam, một số nước tiên tiến cũng tổ chức mô hình hoạt động này với chức năng tương tự bởi mục đích nhằm phát huy vai trò tự quản của học sinh, một trong những yếu tố quan trọng của “học đi đôi với hành”; là cơ hội để học sinh thể hiện trách nhiệm của mình trước tập thể. Đội cờ đỏ tập hợp những học sinh tốt, có thành tích gương mẫu trong học tập và rèn luyện để nhắc nhở học sinh khác.

Tất nhiên, trong triển khai thực hiện, vai trò, vị trí của đội Cờ đỏ có thể hoạt động chưa tốt hoặc có biểu hiện lạm quyền. Tuy nhiên, đội Cờ đỏ hoạt động dưới sự chỉ huy chỉ đạo giám sát của các thầy, cô, Ban chấp hành liên đội cũng như tập thể học sinh, phụ huynh; đồng thời cũng phải gương mẫu và có trách nhiệm thực hiện tốt nội quy quy định của nhà trường; đảm bảo tính công bằng, khách quan và chính xác khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hiện nay,  hệ thống giám sát để đảm bảo công bằng, dân chủ các hoạt động của nhà trường đều đã mở rộng hơn rất nhiều. Nhà trường, thầy cô có sổ liên lạc với phụ huynh; các bậc phụ huynh tổ chức nhóm mạng xã hội chia sẻ. Đa số các nhà trường hiện nay đều có camera giám sát trực tiếp… Những hành động sai trái, phản tác dụng sẽ bị phát hiện và tẩy chay.

Năm học này, tiếp tục thực hiện mục tiêu trong sự nghiệp trồng người theo tinh thần tư tưởng của Bác. Ngày khai trường năm 1945, trong thư gửi học sinh, Bác viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”.

Là học sinh Việt Nam qua các thế hệ, nhiều người từng thuộc  lòng lá thư của Bác chất chứa tình cảm, yêu thương, đến trường là học tập và rèn luyện để làm người, để làm việc. Không thể lấy việc lợi dụng tổ chức đội Cờ đỏ để phỉ báng các em học sinh và suy diễn cho Đảng tạo những mầm mống xấu từ trong giáo dục và quy chụp bản chất giáo dục xã hội chủ nghĩa. Cần loại bỏ những luận điệu xuyên tạc xằng bậy của các thế lực thù địch để thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”; giữ tâm hồn trong sáng cho trẻ khi đến trường.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.