Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 05:21:06

Chiến thắng vĩ đại trong lòng dân tộc

Ngày đăng: 21/05/2019

QK2 – Chúng ta vừa kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng vĩ đại và được cả thế giới trân trọng, ngưỡng mộ. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nhận xét: “Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Trong niềm tự hào, toàn dân tộc kỷ niệm Điện Biên tri ân các thế hệ cán bộ lãnh đạo, đồng bào, chiến sĩ đã đổ mồ hôi, hy sinh xương máu vì Điện Biên, lại có những kẻ đi ngược dòng lịch sử. Trên mạng xã hội, họ tung ra luận điệu: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm như “ăn sái thuốc phiện”, hết chiến thắng này đến chiến thắng khác “vừa hết cái “sái” 30 tháng 4 đại thắng mùa xuân là tiếp theo liền tới cái sái “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lừng lẫy năm Châu”. Họ còn cho trằng, trong Điện Biên Phủ, các chỉ huy của ta “chỉ nhận lệnh lẹt đẹt phía dưới, chạy xuôi, chạy ngược, đốc quân, thúc dân vào chỗ chết, càng nhiều càng tốt” và tuyên truyền Điện Biên Phủ thực hiện cách đánh, phương án đánh địch của ta theo chỉ đạo của cố vấn Trung Quốc. Sự viện trợ quân sự Trung Quốc “tuyệt đối đóng vai trò quyết định” chiến thắng…

Đại biểu tham quan hiện vật xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Quân khu.

Phải rằng định rằng, những luận điệu trên là luận điệu xuyên tạc của những kẻ phản động chống phá lại Nhân dân ta, đi ngược lại lịch sử, cố tình quên đi lịch sử để tuyên truyền xằng bậy, làm sai lệch bản chất của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lịch sử dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm qua là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Dân tộc ta luôn phải đương đầu chống giặc ngoại bang xâm lược. Trong dòng lịch sử, hầu như không có thế kỷ nào không có các cuộc chiến tranh giữ nước và điểm nhấn của dòng lịch sử đó là những chiến thắng vẻ vang trước các thế lực ngoại bang. Thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt Nam sau 15 năm ra đời đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa Việt Nam từ thuộc địa trở thành một nước độc lập. Tiếp đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 9 năm trường kỳ đã kết thúc bằng bản hùng ca Điện Biên và 21 năm sau đó là khúc ca khải hoàn, Chiến thắng 30/4, thu non sông về một mối.

Những chiến công lẫy lừng ấy là niềm tự hào của dân tộc, là những chiến thắng vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm chiến thắng là thể hiện niềm tự hào, tự tôn của toàn thể dân tộc Việt Nam, tiếp nối truyền thống trong xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Niềm tự hào ấy không phải quốc gia nào cũng có.

Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, đây là một trận chiến được xếp vào một trong 10 trận chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại. 65 năm qua, toàn nhân loại tiến bộ đều khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của người Việt Nam. Chúng ta ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, tình nghĩa của các quốc gia, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới trong đó có Trung Quốc. Nhưng đó không phải là nhân tố quyết định mà nhân tố cơ bản, quyết định thắng lợi đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nói đến Điện Biên Phủ là nói đến nhân dân Việt Nam anh hùng, sáng tạo, là nói đến những chiếc gùi  gạo băng rừng, những chiếc xe đạp thồ vượt núi phục vụ chiến dịch của lực lượng dân công hỏa tuyến. Nói đến Điện Biên là nói đến lòng dũng cảm của các chiến sĩ “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. 

Chính tướng Na-va từng thừa nhận: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị – quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một ủy ban trung ương mà người tổng chỉ huy đồng thời là bộ trưởng quốc phòng là một ủy viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”.

Trong dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một cuốn sách của nhà sử học người Pháp Ivan Cadeau “Điện Biên Phủ 13.3 – 07.5.1954”  xuất bản tại Pháp năm 2013, được biên dịch và giới thiệu cho độc giả Việt Nam. Tác giả Ivan Cadeau đã chia sẻ: Cuốn sách được viết dựa trên tài liệu lưu trữ, và tôi cố gắng đưa ra giọng điệu trung tính nhất, cái nhìn từ hai phía tham gia cuộc chiến. Tôi đã sử dụng đại đa số tài liệu bằng tiếng Pháp và chưa có cơ hội bổ sung tài liệu về phía Việt Nam. Nếu có thể viết lại cuốn sách, tôi muốn đưa thêm thông tin lưu trữ tại Việt Nam, bởi xu hướng hiện nay là nghiên cứu lịch sử so sánh… Chiến tranh đã qua đi, nhưng qua các tài liệu lưu trữ, chúng ta có thể nhìn nhận về quá khứ chung của hai dân tộc, tìm hiểu về quá khứ chung là nền tảng cho hai nước trong tương lai.  Ông cho rằng: Việc huy động lực lượng toàn dân tham gia vào cuộc chiến là một yếu tố có tính chất quan trọng đối với thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Các nhân tố quyết định nhất là lực lượng quân sự và đường lối, phương châm tác chiến thông minh của Bộ Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Với những lý do ấy, khẳng định Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại trong lòng dân tộc, chiến thắng của người Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc về chiến dịch Điện Biên Phủ nêu trên cần phải được loại bỏ!

 VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.