Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:06:24

Chiến thắng “giặc dịch” bằng tinh thần nhân nghĩa

Ngày đăng: 11/10/2021

Tháng 9 vừa qua, tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường – Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp Quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng. Phần đầu bài phát biểu là thông điệp: “Trong cơn cuồng phong của bão dịch Covid-19, tôi tin rằng quý vị cũng đều lo lắng nghĩ tới người dân, đất nước mình, và trái tim tôi cũng hòa chung nhịp đập đó, tha thiết hướng về quê hương Việt Nam nơi cả nước đang chung sức chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Không có con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau và mất mát trong đại dịch Covid-19, trên hết là những mất mát về người, cùng với đó là những thiệt hại to lớn về kinh tế, những tác động sâu sắc đối với xã hội và sự thụ hưởng quyền của người dân.
Đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa.
Đại dịch cũng đã làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.
Song đại dịch cũng không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất đối với chúng ta…”.
Ngay sau khi thông điệp ấy truyền đi, lập tức các thế lực tự xưng cái gọi là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” cùng các tổ chức phản động tiếp diễn chiêu bài chống phá về công cuộc phòng chống Covid-19 của Việt Nam. Chiêu trò này không mới lạ, nhưng có sự tiếp biến những thủ đoạn họ đã sử dụng từ khi dịch bùng phát, rồi từng bước gây nhiễu loạn, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận kết quả và sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc phòng chống đại dịch.

Thiếu tướng Vũ Kim Hà, Phó Tư lệnh Quân khu, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu tặng hoa động viên lực lượng xung phong vào miền Nam chống dịch. Ảnh: VŨ DƯƠNG

Từ khi dịch khởi phát, họ từng cho rằng, Việt Nam bưng bít thông tin về bệnh dịch. Trước những hành động người dân, dù già trẻ gái trai mang tiền trợ cấp, đập “lợn nhựa” để quên góp, ủng hộ; đến hành động của những chiến sĩ, nhường cơm, sẻ áo, nhường nhà cho dân; họ cho rằng đó là những hành động ép buộc, mị dân; vì sao người già không nơi nương tựa lại có số tiền lớn để đóng góp; người neo đơn dù có tiền trợ cấp nhưng số tiền đó ăn còn chưa đủ không thể có số tiền lớn để ủng hộ. Tổ chức phản động Việt Tân thì tung ra những chiêu trò kêu gọi thả tù nhân để giãn cách xã hội, tránh virus xâm nhập vào các trại giam…
Gần đây, khi làn sóng dịch thứ tư diễn biến vô cùng nguy nan, Chính phủ Việt Nam tổ chức nhiều biện pháp cụ thể chống dịch có hiệu quả. Có rất nhiều những thông tin, hình ảnh, câu chuyện đẹp gây xúc động lòng người được viết lên thì các thế lực tiếp tục lợi dụng những sơ hở để “thọc sườn”, bình luận một cách tráo trở, xuyên tạc. Thủ đoạn của họ là “nhặt sạn” xã hội lượm lặt được trên báo chí và mạng xã hội, từ đó đổi trắng thay đen. Những hình ảnh đẹp của các chiến sĩ đi chợ, mang gạo đến nhà dân thì cho rằng việc quay phim, chụp ảnh chỉ để làm “màu”. Cán bộ chiến sĩ xung phong tăng cường cho các tỉnh phía Nam thì họ bình luận và tung tin: Quân đội là phải canh gác bảo vệ biên giới, sao lại giương súng để trấn áp dân ra đường và: Quân đội huy động lực lượng vào Sài Gòn để dẹp loạn, răn đe dân..
Khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, họ lại mượn cớ viện dẫn xuyên tạc một cách trắng trợn, cho rằng cách thức đối phó với đại dịch Covid-19 là cơ hội giúp quốc tế đánh giá, nhận định đối với cả nhận thức lẫn bản chất của các hệ thống chính trị, hệ thống công quyền về nhân quyền… Đúng là như vậy, nhưng họ lại cố tình xuyên tạc những việc làm cụ thể trong phòng chống dịch, quy kết Việt Nam cấm vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch đang thập tử nhất sinh. Khi Chính phủ Việt Nam thực hiện chủ trương “mỗi phường xã phải trở thành một pháo đài chống dịch”, họ đã dùng những lời lẽ thô thiển, thóa mạ chủ trương đó thành những “hàng rào ngăn không cho dân chúng của cả một khu vực ra khỏi khu vực đó, hay khóa cổng nhốt dân cư của một xóm, hoặc khóa cửa nhốt thành viên của một gia đình như ngăn, nhốt gia súc, gia cầm…”.
Đây thật sự là những thủ đoạn “chọc gậy bánh xe” phá hoại công cuộc phòng, chống dịch của đất nước. Sâu xa hơn, họ nhắm mục tiêu hạ bệ Việt Nam, gây sức ép với Việt Nam trước dư luận của cộng đồng quốc tế, nhất là Việt Nam với tư cách thành viên của ASEAN tham gia tái cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.  Trước đó, Việt Nam đã là thành viên của cơ quan này nhiệm kỳ 2014-2016. Khả năng đắc cử của Việt Nam rất cao vì cả khối ASEAN đã đồng thuận điều đó. Để hạn chế Việt Nam, giới gọi là "đấu tranh dân chủ, nhân quyền", đấu tranh chống chính quyền Việt Nam hoặc các tổ chức ở hải ngoại được dịp chỉ trích "Việt Nam vi phạm nhân quyền, độc tài, đảng trị”, cho rằng Việt Nam "không xứng đáng ứng cử vào vai trò đó". Cuộc chiến chống đại dịch Covid là cái cớ để họ nhào nặn một cách méo mó, sai bản chất sự việc hòng thực hiện mưu đồ, mục đích cuối cùng là đòi đa nguyên chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Lịch sử nhân loại từ thời cổ đại đến nay đã chứng kiến hàng chục cơn đại dịch cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người, thậm chí là lây nhiễm cho nửa số dân trên địa cầu; nguy cơ đưa toàn bộ thế giới đến bờ vực diệt vong. Trong số ấy, có những trận chỉ diễn ra vài năm, nhưng cũng có những trận kéo dài hàng thế kỷ, có thể đã xuất hiện vài trăm năm trước, bùng phát rồi âm ỉ ủ mầm dây dứt cho đến ngày nay. Dịch hạch, dịch tả, dịch cúm đậu mùa, sốt phát ban, bệnh sởi, bệnh lao, HIV… từng là những cái tên mang nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Đại dịch Covid-19 nằm trong số những trận đại dịch kinh hoàng đó. Cũng như bất kỳ những đại dịch nguy hiểm nào khác đã từng xảy ra, đại dịch Covid-19 đang là vấn đề nóng của toàn cầu, không riêng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt trong tình hình quan hệ quốc tế đa dạng, mở rộng hiện nay, tính chất lây lan của dịch bệnh càng trở nên nguy cấp. Các quốc gia phát triển, có điều kiện kinh tế cũng gặp khốn đốn vì đại dịch.  
Gần hai năm Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng và hoành hành. Đến cuối tháng 9 năm 2021, toàn cầu ghi nhận khoảng 234 triệu người nhiễm, trong đó khoảng 2,1% số đó tử vong. Còn ở Việt Nam, từ cuối tháng 4 năm 2021, làn sóng thứ tư của đại dịch Covid tái bùng phát và đến nay vẫn tiếp tục phức tạp. Trong đại dịch, tinh thần nhân nghĩa “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách” tiếp tục nảy nở; “lợn nhựa” của học sinh tiếp tục được đập ra để góp vào quỹ phòng chống Covid; mớ rau, con cá của người nông dân nghèo được chuyển đến khu cách ly; phong trào bác sĩ, bộ đội, công an viết đơn xung phong dấn thân vào vùng tâm dịch thực hiện nhiệm vụ… Đấy là những tấm lòng, là cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đoàn kết của người Việt mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy.

Lực lượng phòng hoá Quân khu tiến hành phun thuốc khử khuẩn tại TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VŨ DƯƠNG

Truyền thống “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” – bài học lịch sử được Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc đúc kết gần sáu thế kỷ trước. Từ đó đến nay, trải bao phen giặc dã, kinh nghiệm đó luôn trở thành phương châm, lẽ sống của người Việt. Tư tưởng, hành động trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, từ lãnh đạo Đảng, nhà nước, người dân thường đến chiến sĩ đều thể hiện tư tưởng nhân văn, khát vọng hòa bình cho toàn thể nhân dân và người nước ngoài đang sống, làm việc ở Việt Nam, cứu trợ người Việt ở nước ngoài trở về quê hương bình yên. Câu chuyện của “Bệnh  nhân 91 – Phi công người Anh” Stephen Cameron là trường hợp bị Covid-19 nặng nhất châu Á thời điểm ấy và một ca bệnh chưa có trong văn y thế giới. Nhưng tập thể các y, bác sĩ Việt Nam, hay chính là lòng nhân nghĩa Việt Nam đã đưa người phi công ấy vượt ra khỏi lằn ranh sinh tử, trụ vững để trở lại quê hương. Câu chuyện ấy là giá trị nhân văn cao cả, song hành với đó là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế để chiến thắng thứ kẻ thù tàng hình của toàn nhân loại. 
Những kẻ rêu rao tự xưng đại diện cho cái gọi là “dân chủ, nhân quyền” chống Đảng, đi ngược lợi ích của nhân dân Việt Nam, muốn “đánh giá, nhận định đối với cả nhận thức lẫn bản chất của các hệ thống chính trị, hệ thống công quyền về nhân quyền” về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, cần phải tìm hiểu sâu kỹ về truyền thống “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của lịch sử dân tộc Việt Nam.
 Steve Jackson – cũng là một công dân người Anh từng làm việc tại Việt Nam trong đại dịch, anh đã chứng kiến và đi từ ngạc nhiên đến cảm kích, khâm phục về hiệu quả công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Anh bộc bạch trong một bài viết đăng trên trang mạng Medium.com và được nhiều cơ quan báo chí trong, ngoài nước đăng lại: “Điều kỳ diệu đã xảy ra tại Việt Nam. Những người nước ngoài như chúng tôi sống tại đây bắt đầu nhận ra được có vô vàn anh hùng thầm lặng tại đây đang sống và chiến đấu cùng nhân dân”.
Đấy là tinh thần nhân nghĩa dân tộc để thắng “đại dịch hung tàn” và chiến thắng những kẻ “hung tàn”, mượn cớ đại dịch để chống phá công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam.
ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.