Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 02:35:05

Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và nghệ thuật quân sự Việt Nam trên mặt trận đối không

Ngày đăng: 18/12/2017

Bài 4: Tổn thất không tưởng của không quân Mỹ và một Điện Biên Phủ trên không chói lọi

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17-12-1972, ngay khi Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ trực tiếp chỉ thị các đơn vị trong toàn Quân chủng tập trung vào hai khu vực Hà Nội, Hải Phòng…

Đêm đầu hạ 3 “siêu pháo đài bay” B-52

Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nêu rõ: “Tình hình rất khẩn trương, các đơn vị cần thực sự chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, có kế hoạch tiếp tế đạn cho tên lửa, bảo đảm vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu với hệ số kỹ thuật cao nhất; thông tin liên lạc phải thường xuyên thông suốt; tổ chức báo động kiểm tra các đơn vị”. Quân và dân toàn miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

18 giờ 50 phút ngày 18-12-1972, toàn Quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Lúc 19 giờ 10 phút, Đại đội ra đa 16 phát hiện nhiễu B-52, tiếp đó, 19 giờ 15 phút, Đại đội ra đa 45 phát hiện B-52 và kịp thời báo về Sở chỉ huy. Trên cơ sở đó, Chỉ huy Trung đoàn 291 báo cáo: “B-52 đang vào miền Bắc”. Đến 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch. Cùng thời điểm đó, ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát cũng phát hiện máy bay F-111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép… Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lệnh báo động toàn Thành phố.

B-52 trút bom. Ảnh tư liệu.

Từ 19 giờ 25 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên, đánh dấu cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.

20 giờ 13 phút, B-52 tiếp tục đánh phá. Các Tiểu đoàn 57, 59, 94 của Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp máy bay 671 đang từ hướng Tam Đảo lao xuống đánh phá các kho tàng ở Đông Anh, Cổ Loa. Một kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 đã phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp hạ ngay 1 máy bay B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km. Chiếc “siêu pháo đài bay” B-52 bị hạ gục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội, vì cả 9 trận đánh cấp tiểu đoàn trong đợt đầu tiên đều chưa thành công.

Suốt đêm 18 đến rạng sáng ngày 19-12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B-52 có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 2 máy bay B-52 rơi tại chỗ.

Trận đánh then chốt, quyết định

Trong các ngày tiếp theo từ 19 đến 24-12-1972, quân và dân ta liên tiếp lập công, khi tiếp tục “vít cổ” B-52 hằng đêm. Do bị thất bại nặng nề, lấy cớ nghỉ lễ Nô en, từ 24 giờ 00 ngày 24-12, địch tạm ngừng tập kích để củng cố tinh thần, lực lượng và tìm thủ đoạn đánh phá mới. 13 giờ 00 đến tối 26-12, địch tiếp tục sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và Trạm biến thế Đông Anh. Từ 22 giờ 05 phút đến 23 giờ 20 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục, từ nhiều hướng và tập trung vào nhiều mục tiêu trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đây là trận tập kích đường không lớn nhất và là trận then chốt trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược của địch. 22 giờ 40 phút, B-52 ồ ạt ném bom rải thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội. Khu phố Khâm Thiên và phố Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề.

Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (thứ 2, từ phải sang) và kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 257, bắn rơi 4 máy bay B-52 tại Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Trận chiến đấu đêm 26-12 diễn ra hơn một giờ, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B-52 (riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ) và 10 máy bay chiến thuật khác. Trong trận này, lần đầu tiên Quân khu Việt Bắc (Trung đoàn 256) anh dũng bắn rơi 1 chiếc B-52 của địch chỉ bằng pháo cao xạ 100mm. Mặc dù không có khí tài ra đa hỗ trợ phát hiện mục tiêu, nhưng với cách đánh thông minh, sáng tạo, phối hợp tốt với mạng lưới ra đa cảnh giới quốc gia, pháo cao xạ 100mm cũng bắn rơi máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong 9 ngày chiến đấu. Chiến thắng này đã làm suy sụp hẳn tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và giặc lái Mỹ.

Én bạc Mig-21 diệt pháo đài bay B-52

Sau 10 ngày vào trận, đã đến lúc các phi công tiêm kích lập công bắn rơi B-52. Vào 22 giờ 20 phút ngày 27-12, Phi công Phạm Tuân lái máy bay Mig-21 được lệnh cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào tiêm kích F-4 bảo vệ, tiến về hướng đội hình B-52 của địch, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, bắn rơi chiếc B-52 thứ 2 trong đội hình 3 chiếc của địch. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi trong chiến dịch này. Ngày và đêm 27-12, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay trong đó có 5 chiếc B-52; 5 chiếc F-4; 2 chiếc A-7; 1 chiếc A-6; 1 máy bay lên thẳng HH-53.

Biên đội Mig-21 rút kinh nghiệm sau trận bắn rơi F-4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B-52, ngày 27-12-1972.

Đêm 28-12, địch sử dụng khoảng 60 lần chiếc B-52 đánh phá khu vực Đông Anh, Đa Phúc, Cầu Đuống, Yên Viên, Gia Lâm. Tiếp nối chiến công của phi công Phạm Tuân, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh của Sở chỉ huy Không quân, lái chiếc máy bay Mig-21 xuất kích từ sân bay Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa), vòng ra phía sau đội hình B-52, đuổi địch đến vùng trời Sơn La, bám sát ở cự ly gần, bắn cháy 1 chiếc B-52 của địch và đã anh dũng hy sinh ngay sau đó. Trong trận đánh ngày và đêm 28-12, quân và dân ta tiếp tục chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc B-52, 1 chiếc RA-5C.

17,6%- tổn thất không tưởng của không quân Mỹ

Do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, đến ngày 29-12, máy bay B-52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa Hà Nội. Về phía ta, Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285), 78 và 79 (Trung đoàn 257), bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B-52, đã bắn rơi 2 máy bay (1 chiếc B-52, 1 chiếc F-4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12-1972.

Tên lửa phòng không (màu xanh rêu) từng được sử dụng đánh B-52 và đống xác máy bay (trong đó có xác B-52) đang được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ. Ảnh: Hoàng Hà.

Chỉ trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử sụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc nước ta với hơn 100 ngàn tấn bom (riêng tại Hà Nội, 444 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật đã ném xuống hơn 10 ngàn tấn bom). Không quân Mỹ đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Vượt lên đau thương, mất mát, với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta, mà nòng cốt là Bộ đội PK-KQ đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Cụ thể, có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52. Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được là mất rất nhiều phi công. Chỉ hơn 10 ngày, không quân Hoa Kỳ đã mất hàng trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng ngàn giờ. Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không quy mô lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công tối đa khoảng 1-2%, nhưng trong chiến dịch này, tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ chỉ tính riêng B-52 đã lên tới 17,6% (34/193 chiếc); cùng với 43 giặc lái (trong đó có 33 phi công lái máy bay chiến lược B-52), chưa kể số máy bay bị thương, mất tích và số phi công chết theo máy bay.

Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 07 giờ 00 sáng 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27-01-1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top