Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:16:34

Chiến thắng 30 tháng Tư mãi là Ngày hội non sông

Ngày đăng: 30/04/2022

Bài 2: Tự hào chiến thắng

QK2 – Không chỉ bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ sau thất bại của thực dân Pháp xâm lược ở Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève về kết thúc chiến tranh ở Đông Dương (20/7/1954), Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam, Đông Dương từ cuối những năm 1950 khi viện trợ quân sự cho Pháp. Với âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định Genève, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự làm bàn đạp tấn công miền Bắc, ngăn chặn làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc và XHCN đang mở rộng ở Đông Nam Á.

Quân Giải phóng tiến vào Dinh Ðộc Lập hồi 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Để hiện thực hóa âm mưu ấy và cũng là để đối phó với tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của quân, dân ta, suốt hơn 20 năm có mặt trực tiếp hoặc can thiệp, đế quốc Mỹ đã liên tục thay đổi áp dụng các chiến lược chiến tranh ngày càng xảo quyệt, tinh vi, từ chiến lược đơn phương “một phía” (1954-1960), chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1973) và âm mưu phá loại Hiệp định Paris (1973-1975), dùng mọi thủ đoạn nhằm chống lại cách mạng Việt Nam. 

Mặc dù sử dụng rất nhiều nấc thang chiến tranh với nhiều thủ đoạn tàn bạo và dã man nhất nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng bị thất bại đau đớn nhất, thảm hại nhất và bị thế giới lên án mạnh mẽ nhất. Sau thất bại trong chiến lược Việt Nam hóa Chiến tranh với chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 nhằm “đưa Hà Nội và miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, chính quyền Níchxơn buộc phải ký hết Hiệp định Paris (27/1/1973), thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

Được Mỹ tiếp sức, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục phá hoại hiệp định Paris, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch. Quân và dân ta đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của địch, khẩn trương tạo thế, tạo lực, mở rộng vùng giải phóng bằng các đòn tiến công chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-24/3/1975); Chiến dịch Trị Thiên-Huế (5-26/3/1975) và chiến dịch Đà Nẵng (28-29/3/1975). 

Trước đòn tiến công chiến lược cuối cùng, 9 giờ 30 phút sáng mùng 7, tháng Tư 1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện lịch sử mang số hiệu 157- HÐKTK cho các đơn vị với chỉ thị: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng…".

Bản mật lệnh vô cùng ngắn gọn nhưng đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời chỉ rõ phương châm hành động cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Ở thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mật lệnh của Đại tướng vừa là mệnh lệnh, vừa là tư tưởng chỉ đạo cổ vũ động viên tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường.

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30/4/1975) toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn, quân, dân Việt Nam với cuộc chiến chính nghĩa được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã hoàn thành thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Quân và dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây cũng là cuộc chiến bại chưa từng có trong lịch sử 2 thế kỷ của nước Mỹ.

Quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn cuối cùng của Hồ Chủ tịch trong Di chúc thiêng liêng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam – Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Ngay sau chiến thắng 30 tháng Tư, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh với hậu quả còn nặng nề lại phải đương đầu với các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, kéo dài, dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Liên Xô, thành trì của hệ thống XHCN tan rã; chủ nghĩa xã hội hiện thực thoái trào. Trong muôn vàn khó khăn thử thách, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, từng bước hội nhập và hợp tác quốc tế. Đời sống kinh tế, văn hóa Việt Nam không  hề què quặt, “tan hoang” như một số kẻ rêu rao về tình hình đất nước hiện nay. Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 37 thế giới; xếp thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới, trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100. Điều đó thể hiện sự ưu việt của chế độ và con đường xây dựng XHCN của Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa gần nửa thế kỷ. 47 năm đã trôi qua, kể từ đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước độc lập, non sông liền một dải. Những mất mát, hy sinh của hàng triệu đồng bào dần nguôi ngoai; vết thương chiến tranh trên đất nước dần lành lặn. Trải qua bao khó khăn thăng trầm, cùng với Chiến thắng 30 tháng Tư, Mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào cổ vũ toàn dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

VIỆT KHÔI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.