Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 12:29:40

Chiếc Chăn Sui trong những ngày cách mạng tại Tân Trào

Ngày đăng: 25/08/2020

QK2 – Tại không gian trưng bày thời kỳ tiền khởi nghĩa và giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Bảo tàng Quân khu có một chiếc Chăn Sui mà các đồng chí lãnh đạo Đảng đã từng dùng trong thời gian hoạt động bí mật tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, năm 1944 – 1945. Đây là một trong những hiện vật thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các đoàn khách khi đến tham quan ở giai đoạn này.

Chăn Sui trưng bày tại Bảo tàng Quân khu.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ địa, trung tâm cách mạng của cả nước. Nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam đã gắn liền với những địa danh và con người nơi đây. Ngay từ những năm đầu cách mạng đến khi tổng khởi nghĩa chính quyền và chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tuyên Quang hoạt động bí mật, kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Quá trình hoạt động cách mạng, các cơ sở quần chúng được mở rộng và gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng. Để gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, cán bộ cách mạng đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân và được nhân dân yêu thương, đùm bọc, quý trọng, có tình cảm gắn bó keo sơn, tin tưởng, nghĩa tình và ủng hộ cách mạng, được nhân dân nhường cơm sẻ áo, cho mượn Chăn Sui để đắp trong những ngày mùa đông giá lạnh. Với những tình cảm ấm áp mang tính nhân văn cao cả mà nhân dân dành cho cán bộ, bộ đội đã tạo thêm động lực, kết thành làn sóng quyết tâm giành được độc lập.

Hình ảnh nhường cơm, sẻ áo là truyền thống rất đỗi bình thường trong mọi thời đại đối với người dân Việt Nam. Những lúc “củ sắn chia đôi”, “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng”… là những hành động vô cùng đẹp đẽ, bộc lộ tình cảm đồng cam cộng khổ của nhân dân với cách mạng. Đó là tình cảm thuỷ chung, son sắt, gắn bó máu thịt được đúc kết qua thời gian. Chính vì chiếc Chăn Sui giản dị, mộc mạc, đời thường ấy đã chạm vào trái tim của nhà thơ Tố Hữu một cảm xúc dâng trào, Tố Hữu tái hiện lại những kỷ niệm của cách mạng và kháng chiến trong bài thơ Việt Bắc, có đoạn viết:

“…Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đi ta đó đắng cay ngọt bùi

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơn sẻ nửa, chăn sui đắp cùng…”

Đó là lời của người cán bộ với nhân dân Việt Bắc, là tự sự của ruột gan, trong sâu thẳm nghĩa tình. Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang sơ, thơ mộng trữ tình là thế nhưng ẩn sau đó đầy những hiểm nguy gian khổ. Qua đó khẳng định tình cảm của các chiến sĩ cách mạng với nhân dân thật ân tình, thủy chung và hết lòng vì kháng chiến.

Để làm được chiếc Chăn Sui thì rất kỳ công và vô cùng vất vả. Nhân dân ta phải vào rừng tìm cây Sui thẳng, có đường kính lớn từ 80 đến 100cm, sau đó đốn ra bóc lấy vỏ. Vỏ Sui dày nhưng dai và xốp dùng búa đinh hoặc búa gỗ đập dập, đập đi đập lại nhiều lần cho bong lớp vỏ, sau đó ngâm đi ngâm lại xuống suối một hai tháng để loại bỏ chất độc và vỏ cây bị vỡ, sau đó vớt lên phơi nắng, khi nào đập còn lại lớp xơ xốp, gấp đi gấp lại đan vào nhau được lúc đó mới có chiếc chăn để đắp.

Thông qua chiếc Chăn Sui được trưng bày tại Bảo tàng đã tạo sức lan tỏa rộng rãi và có ý nghĩa không nhỏ trong tuyên truyền giáo dục truyền thống, đặc biệt thế hệ trẻ hôm nay hiểu kỹ hơn về sự hy sinh, chịu đựng gian khổ nhưng đầy vinh quang, tự hào của các thế hệ cha ông. Qua đó càng trân trọng lịch sử, ý thức, trách nhiệm cho đời sau phải biết gìn giữ, bảo vệ thành quả vẻ vang của cách mạng.

Bài, ảnh: THU HÀ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.