Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 12:00:46

Chỉ thị nhân văn của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh

Ngày đăng: 14/09/2021

QK2 – Trong 2 nhiệm kỳ giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về việc giải quyết chế độ, chính sách hậu phương quân đội để tri ân những người đã một thời hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó có Chỉ thị số 97/CT-BQP ngày 18/7/2011 về việc tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con đẻ thương binh, bệnh binh nặng (mất 81% sức khỏe trở lên). Đây là một chỉ thị đậm chất nhân văn, nghĩa tình, hợp lòng dân, có sự lan tỏa sâu sắc trong toàn xã hội.

Đại úy Vũ Thùy Dung, Trợ lý Phụ nữ, Phòng Quần chúng Quân khu luôn tích cực phấn đấu, học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khi biết tin Đại tướng Phùng Quang Thanh, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần, Đại úy Vũ Thùy Dung, Trợ lý Phụ nữ Phòng Công tác Quần chúng, Cục Chính trị Quân khu gọi điện thoại cho tôi nghẹn nghào thông báo: Bác Thanh mất rồi anh ạ! Nhưng đang dịch bệnh thế này, chắc em không đi viếng bác ấy được. Em buồn quá! Vì cách đây 10 năm về trước, nhờ có Chỉ thị 97 của bác ấy mà em có được công việc như ngày hôm nay; được vinh dự tuyển dụng vào quân đội, kế tục sự nghiệp vẻ vang cuộc đời binh nghiệp của bố…”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết Đại úy Vũ Thùy Dung là con thương binh hạng đặc biệt (mất 81% sức khỏe) Vũ Văn Vinh, nhà ở khu 4, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông Vinh nhập ngũ năm 1978, bị thương trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1992 ông được xuất ngũ về điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, tỉnh Hà Nam từ đó đến nay. Cuối năm 2012, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Vũ Thùy Dung được tuyển dụng vào công tác tại Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, được cử đi học lớp Sĩ quan dự bị và trở thành sĩ quan, được luân chuyển làm phóng viên Báo Quân khu và mới đây, chị được điều động, bổ nhiệm chức vụ Trợ lý phụ nữ, Phòng Quần chúng Quân khu.

Trung úy QNCN La Trung Kiên, Ban CHQS Sông Lô tham gia phục vụ công dân tại khu cách ly y tế tập trung của huyện.

Còn với anh La Trung Kiên, quê ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc từng là một thanh niên không có công ăn việc làm ổn định. Nhưng anh có bố đẻ là thương binh hạng 1/4 La Văn Loan. Đầu năm 2012, Kiên và gia đình vô cùng vui mừng phấn khởi khi được xã thông báo lên Ban CHQS huyện làm hồ sơ tuyển dụng vào Công nhân viên chức Quốc phòng. Kiên đã may mắn được vào quân đội, làm nhân viên phục vụ tại Ban CHQS huyện Sông Lô và được chuyển chế độ Quân nhân chuyên nghiệp. Trung úy, QNCN La Trung Kiên chia sẻ: “Bố tôi là thương binh nặng, mẹ là nông dân, tôi không được học hành đến nơi đến chốn. Tôi đã xây dựng gia đình, nhưng vợ cũng không có việc làm ổn định. Được sự quan tâm của Đảng, Quân đội mà tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Gia đình và xóm làng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm, đãi ngộ của Quân đội, của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đối với con của thương, bệnh binh, gia đình chính sách”.

Bà Nguyễn Thị Bích, vợ thương binh 1/4 Lê Đức Luân, nhà ở xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện bà đang chăm sóc ông Luân ở Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhờ Chỉ thị 97 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mà 2 người con của ông bà là Lê Phú Hà và Lê Trọng Vĩnh đều được tuyển dụng vào làm Công nhân viên chức Quốc phòng. Bà Bích xúc động bày tỏ: Việc chăm sóc, nuôi dạy các con khi nhỏ không khiến tôi lo lắng bằng tìm kiếm việc làm cho các con khi đến tuổi trưởng thành. Được sợ quan tâm của Bộ Quốc phòng, nhất là Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nên cả 2 con tôi đã được vào phục vụ trong quân đội, tôi thường xuyên khuyên bảo các các con phải cố gắng làm việc, cống hiến, xứng đáng với sự quan tâm sâu nặng nghĩa tình mà Quân đội và bác Thanh đã dành cho con thương binh, bệnh binh.

Trong cuộc đời binh nghiệp vẻ vang của người con ưu tú quê hương Mê Linh- Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn đau đáu hướng về bộ đội, hướng về cơ sở; quan tâm chăm lo đến những gia đình chính sách, người có công với cách mạng; có nhiều đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, từng bước xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Đại tướng nay đã về cõi vĩnh hằng nhưng Chỉ thị nhân văn và nhiều việc làm nghĩa tình của Đại tướng sẽ còn in đậm mãi trong trái tim của nhiều người.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.