Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 08:42:30

Chế độ, chính sách mới đối với dân công hỏa tuyến

Ngày đăng: 06/11/2015

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 về một số chế độ, chính sách đối với dân công hoả tuyến (DCHT) tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (Quyết định 49).
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì người được Uỷ ban hành chính hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường thì được xét thuộc diện đối tượng tham gia DCHT.
Mốc thời gian DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp được tính từ tháng 9/1945 đến ngày 20/7/1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia. Mốc thời gian DCHT tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07/01/1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến tháng 12/1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988, ở Campuchia từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.
Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của DCHT có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Đối tượng có đủ điều kiện thuộc diện DCHT sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia DCHT (trường hợp có thời gian tham gia DCHT ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn). Cụ thể người có thời gian tham gia DCHT dưới một năm mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ một năm đến dưới hai năm mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng và từ đủ hai năm trở lên mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng. DCHT đã từ trần thì một trong những thân nhân gồm: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên.
Ngoài ra, người tham gia DCHT nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) thì được hưởng chế độ BHYT theo quy định Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung năm 2014); được cấp Giấy chứng nhận tham gia DCHT; khi từ trần thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Quyết định 49 cũng quy định rõ các đối tượng không thuộc diện áp dụng hưởng các chế độ nêu trong Quyết định gồm: Người đã tham gia DCHT nhưng đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hằng tháng; đang công tác trong cơ quan Nhà nước, làm việc trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp; đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân; người bị kết án về một trong những tội về xâm phạm đến an ninh quốc gia; xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp, bị tòa án tuyên bố là mất tích, hoặc thoái thác nhiệm vụ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.
Thủ tướng Chính phủ quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể trong việc hướng dân, triển khai tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với DCHT quy định tại Quyết định này bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, chính xác, thuận tiện, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Quyết định 49 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015. Các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này được thực hiện từ ngày 01/01/2016.
NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.