Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:27:04

Chân lý thuộc về lẽ phải

Ngày đăng: 24/02/2020

QK2 – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vừa được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn với số phiếu đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình xem xét, nhìn nhận, đánh giá khách quan những nỗ lực của Việt Nam trong thực thi, đảm bảo thực chất quyền của con người; khẳng định vị thế và thành tựu hội nhập quốc tế của Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam.

Trải qua gần 10 năm nỗ lực cho tiến trình đi đến ký kết hiệp định, Việt Nam từng bước đạt được những thành công trong hợp tác và đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc và phấn đấu đạt được sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế; từ đồng ý khởi động, tuyên bố khởi động đàm phán và kết thúc đàm phán, rà soát pháp lý để chuẩn bị, hoàn thành việc ký kết EVFTA, thống nhất tách EVFTA thành hai hiệp định là EVFTA với nội dung như hiện tại và EVIPA để bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư, kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA, thống nhất các nội dung của EVIPA và hoàn tất rà soát pháp lý đối với EVIPA, chính thức thông qua EVFTA và EVIPA, phê duyệt để cho phép ký kết Hiệp định…

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng.

Kết quả phê chuẩn của Nghị viện châu Âu về hai Hiệp định này bác bỏ hoàn toàn những âm mưu của những kẻ tự xưng là những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.  Đó là các tổ chức, cá nhân mượn vỏ bọc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền để đòi hỏi hoãn, hủy tiến trình ký kết hiệp định. Trong suốt quá trình tìm kiếm đàm phán, một số tổ chức, cá nhân tìm mọi cách phản đối việc ký kết EVFTA, EVIPA. Trong suốt chục năm ấy, họ liên tục lợi dụng cái mà họ cho là “tình trạng nhân quyền” và “quyền lao động” tại Việt Nam để kêu gọi ra tuyên bố đề nghị các nghị sĩ châu Âu và các quốc gia thành viên không phê chuẩn, hoãn phê chuẩn hiệp định.

Ngày 11 và 12/2, Nghị viện châu Âu thảo luận và bỏ phiếu thông qua văn bản Hiệp định này, thì trước đó, có đến mấy chục tổ chức phi chính phủ gửi thư ngỏ đến các thành viên của Liên hiệp Châu Âu, kêu gọi hoãn ký Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu – Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền. Ngày 10/2, họ tiếp tục ra tuyên bố chung, nhận định Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu – Việt Nam không đáp ứng được trước “các thách thức khẩn cấp mà hiện nay Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam đang phải đối phó”, như giảm bất bình đẳng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… Cũng theo các tổ chức này, dưới chế độ độc đảng, không có đủ đảm bảo là chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền, “Việc trấn áp về chính trị và của công an đặc biệt nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, môi trường và tất cả những người chỉ trích chế độ”.

Những lý lẽ trên thật xằng bậy, thiếu căn cứ và là thông tin xuyên tạc tình hình đất nước. Từ lâu, ai cũng biết những tổ chức phi chính phủ này vốn không thiện chí với Việt Nam, có một số kẻ là người Việt nhưng thâm thù chế độ, bị giật dây bởi các phần tử phản động thường xuyên lượm lặt những tiêu cực, vi phạm pháp luật trong nước để xuyên tạc tình hình đất nước, vu cáo chế độ, kích động nhân dân. Họ thường xuyên, liên tục có những hoạt động trái khoáy. Đã thành thông lệ, họ phản đối tất cả những gì mang lại lợi ích và nâng cao uy tín của Việt Nam. Họ tự nhận là những tổ chức nhân quyền, hoạt động vì nhân quyền những tính chất và những hoạt động của họ hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Còn nhớ giữa năm trước, khi Ủy ban Châu Âu (EC) đã thông qua và chấp thuận ký kết với Việt Nam Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), khi Việt Nam và một số quốc gia đã tổ chức đối thoại nhân quyền, các thế lực thù địch, phản động liên tục tung ra những thông tin xuyên tạc, bảo vệ những người mà họ gọi là “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” hay “những tù nhân lương tâm” trong nước. Thực tế những người này đều vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối Đảng, chính quyền, tạo dư luận xấu và diễn biến bất ổn trong xã hội. Những người này đã bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng tiếc thay, một số người mượn danh tổ chức quốc tế, rêu rao cho cái gọi là hoạt động cho nền dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, vốn là người mang dòng máu Việt Nam, thậm chí có người còn được nuôi dưỡng, lớn lên học hành nhờ cách mạng Việt Nam lại đi núp bóng những tổ chức, cá nhân phản động, phá hoại dân chủ, chà đạp nhân quyền của người Việt Nam chân chính. Thực tế, những luận điệu ấy không được ai tin, ai nghe, Ủy ban châu Âu không hề đếm xỉa, không bị chi phối, đổi hướng bởi luận điệu những kẻ xuyên tạc và đã ký kết Hiệp định. Điều này là cơ sở khẳng định, chân lý luôn thuộc về lẽ phải!

Hiệp định EVFTA và EVIPA mang tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong những năm tới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra sự hợp tác toàn diện, rộng lớn và phát triển mạnh mẽ hơn giữa hai bên, tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát huy các nguồn lực, khơi dậy các tiềm năng, mọi người có thêm cơ hội làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo Bộ Công thương, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có Hiệp định.

Kết quả của Hiệp định hướng tới là đất nước ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của toàn dân ngày càng được nâng cao. Đây chính là mục đích cao cả, đích thực của phát triển kinh tế, xã hội, thực thi thực chất nhất quyền con người của Việt Nam chúng ta.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.