Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:33:39

Chăm sóc thương, bệnh binh như người thân

Ngày đăng: 25/07/2018

QK2 – Quan tâm, chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tận tình chăm sóc, sẻ chia, giúp các thương, bệnh binh (TBB) vơi đi những mặc cảm, khó khăn trong cuộc sống – đó là công việc hàng ngày của đội ngũ điều dưỡng viên tại Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ.

Một ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Như Hoa, Phó trưởng Phòng y tế, phục hồi chức năng ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ thường bắt đầu từ rất sớm. Sau khi cùng đội ngũ điều dưỡng viên đi kiểm tra nơi ăn ở, tình trạng sức khỏe, chăm sóc và vệ sinh giường bệnh cho các TBB, chị quay trở lại phòng với công việc chuyên môn của mình. Chị Hoa đã gắn bó với công việc chăm sóc, điều trị TBB tại trung tâm hơn 10 năm nay. Vì thế, chị luôn thấu hiểu những nỗi đau không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần của TBB, những người đã cống hiến một phần thân thể của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Còn với Lương Thị Thanh Hòa, một điều dưỡng viên còn khá trẻ, công việc chăm sóc TBB là vinh dự và trách nhiệm. Làm việc ở đây giúp cô hiểu được sự cống hiến, hy sinh của các TBB cho Tổ quốc, vì vậy, cô hết sức tận tâm trong công việc, dù mới về công tác tại trung tâm thời gian chưa lâu nhưng cô đã nắm rất rõ tình trạng sức khỏe, tính tình, cách sinh hoạt của từng TBB.

Cán bộ, điều dưỡng viên tại Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ gần gũi, chăm sóc cho thương, bệnh binh.

Hơn 36 năm gắn bó với trung tâm, hằng ngày trực tiếp được điều trị, chăm sóc, bác Nguyễn Hồng Dậu, thương binh hạng ¼ đã dành nhiều lời khen vì sự nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng của đội ngũ điều dưỡng viên nơi đây. Bác coi điều dưỡng viên nơi đây như con cháu trong gia đình. Bác Dậu kể: Nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, trong suốt thời gian cùng đơn vị tham gia chiến đấu từ năm 1968 đến 1974, tôi nhiều lần bị thương, nhưng lần bị thương nặng nhất khi đơn vị đánh địch ở Điểm cao 52 gần khu dân sinh Cam Lộ, giáp sông Bến Hải, tháng 4 năm 1974. Lần đó tôi bị nhiều mảnh đạn găm vào cánh tay và bắp chân. Giờ đây vết thương thường xuyên tái phát mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhờ có các cháu tận tình chăm sóc, điều trị sức khỏe tôi đã tốt hơn rất nhiều.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tiền thân của Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ là Khu Điều dưỡng Thương binh 5, thành lập vào tháng 3/1976. Năm 2006, Khu Điều dưỡng Thương binh 5 mới chính thức trở thành Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ.

Theo Đồng chí Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc Trung tâm: Hiện nay, trung tâm có 8 điều dưỡng viên chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho 30 thương bệnh binh nặng có tỉ lệ thương tật từ 81% trở lên. Ngoài ra, mỗi năm trung tâm còn điều dưỡng cho trên 3.000 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng.

Chăm sóc, nuôi dưỡng cho một người bình thường đã khó nhưng việc chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho TBB còn khó khăn gấp bội. Phần lớn các bác TBB ở trung tâm đều đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút theo thời gian và bệnh tật thường xuyên tái phát. Đồng chí Vũ Văn Thuần chia sẻ thêm: “Khó khăn nhất với các điều dưỡng viên tại trung tâm là việc chuyển các TBB đi chăm sóc, điều trị tại bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương. Khi ấy lãnh đạo trung tâm phải cử điều dưỡng viên đi theo, luân phiên chăm sóc, nuôi dưỡng, thời gian có thể từ 1 tuần đến 10 ngày”. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng mỗi khi được phân công theo bệnh nhân để chăm sóc, nuôi dưỡng, đội ngũ điều dưỡng viên ở đây luôn sẵn sàng, với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Tận mắt chứng kiến trường hợp của thương binh Đỗ Ngọc Quý khi được đưa đi chạy thận, chúng tôi càng thấy khâm phục tấm lòng và trách nhiệm của các điều dưỡng viên hơn. Bác Quý bị liệt cột sống, được bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chẩn đoán suy thận độ 4, có chỉ định lọc máu 3 lần/tuần. Khi xe đến đón, bác nhất định không lên xe ngồi và còn cáu gắt, gây khó khăn với nhân viên của trung tâm. Hiểu được tâm trạng, sức khỏe bác Quý, điều dưỡng viên Vũ Thanh Phúc phải hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng động viên và đỡ bác Quý ngồi lên xe. Chị Hoa thổ lộ: “Những biểu hiện như bác Quý chúng tôi thường xuyên gặp phải ở trung tâm. Với phương châm tận tâm, hết lòng vì người bệnh, nên các anh, chị em điều dưỡng luôn tìm cách động viên, thuyết phục, giúp các TBB vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.