Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:18:45

Câu chuyện “vuông, tròn, tam giác”!

Ngày đăng: 24/09/2018

QK2 – Trong thời gian gần đây, phương pháp học theo sách Tiếng việt 1 – Công nghệ giáo dục (TV1 – CNGD) của GS. Hồ Ngọc Đại đang là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm. Rất nhiều bài viết, bình luận mang tính tiêu cực, chỉ trích thậm tệ xuất hiện trên các mạng xã hội, làm sai lệch bản chất của sự việc khiến nhiều người lầm tưởng, gây hoang mang trong xã hội.

Rất “lạ” là ngay khi video clip cô giáo dạy học sinh qua chấm tròn, hình vuông được đăng tải, cộng đồng mạng đã “nhảy vào” tranh cãi kịch liệt về cách đánh vần “lạ” này. Nhiều người phản đối, mỉa mai, công kích, thậm chí kêu gọi làn sóng “tẩy chay” sách TV1 – CNGD khi chưa tìm hiểu rõ vấn đề trong khi những học sinh đã và đang được học, những phụ huynh có con theo học chưa hề lên tiếng.

Bộ sách “Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1”.

Chưa cần đánh giá phương pháp đánh vần này có hiệu quả hơn không, nhưng chỉ vì ra đời một phương pháp đánh vần mới, không giống truyền thống mà ra phủ nhận hoàn toàn như vậy là chưa hợp lí. Trên thực tế, đây chỉ là cách đếm tiếng, dùng những hình ảnh gần gũi nhất giúp trẻ dễ hình dung, làm quen và nhận thức được thế nào là tiếng. Sau đó, các em mới chuyển học chữ cái, học đánh vần. Vậy nên không hề có chuyện những hình khối này được dùng thay chữ cái như lo ngại của một số dân mạng.

Cuốn sách này đã tồn tại gần 40 năm, được nhiều phụ huynh và học sinh lên tiếng ủng hộ, khẳng định hiệu quả, nhiều địa phương tự nguyện lựa chọn trong chương trình giảng dạy. Điều này chứng tỏ, cuốn sách này có những thành công và giá trị nhất định. Hơn nữa, Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá: TV1-CNGD về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Đây là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1, nhất là với học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Vậy, sách TV1 – CNGD, GS. Hồ Ngọc Đại liệu có đáng bị “ném đá” như vậy không?

Nguy hiểm hơn, hiện nay, dù Bộ giáo dục đã có thông tin chính thức, nhưng nhiều người vẫn cố tình không hiểu, tiếp tục “bới lông tìm vết”, chế ra những hình ảnh, clip phản giáo dục để tiếp tục dấy lên làn sóng chỉ trích trong dư luận. Đây rất có thể là những âm mưu, chiêu trò thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động và cơ hội chính trị. Lợi dụng sự bức xúc của nhân dân, chúng nhanh chóng “thừa nước đục thả câu”, xuyên tạc, bôi nhọ và phủ nhận thành tựu của nền giáo dục cách mạng Việt Nam.

Vì vậy, chúng ta phải hết sức tỉnh táo và bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin còn đang tranh cãi. Phản biện là cần thiết, nhưng phản biện phải chất lượng, phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kĩ vấn đề, tránh tình trạng hùa theo chỉ trích, mạt sát vô lý, thiếu tôn trọng. Mỗi ý kiến bình luận, mỗi lượt chia sẻ “không tỉnh táo” vô tình sẽ “góp gió thành bão”, đẩy sự việc đi xa hơn, khiến nhiều người vô tội trở thành nạn nhân đầy đáng thương khi bị “ném đá tập thể”. Và quan trọng hơn, đừng để mình bị các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng làm công cụ chống phá đất nước! 

QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.