Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 03:46:32

Câu chuyện về Bác bên lán Nà Nưa

Ngày đăng: 18/08/2018

QK2 – Một ngày đầu thu tháng Tám, chúng tôi có dịp đến thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, địa điểm đặt trụ sở làm việc của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954). Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Tân Trào cũng ghi dấu biết bao ân tình sâu nặng, son sắt thủy chung của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Bác Hồ kính yêu.
Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945, được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, nằm ẩn mình dưới tán rừng xanh mát, cột làm bằng thân cây, dui mè bằng tre, nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài Bác dùng để làm việc, tiếp khách. Cũng tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng Tháng Tám đã được Bác Hồ soạn thảo. Chứng kiến nơi ở và làm việc quá đơn sơ của Bác, trong chúng tôi ai cũng bồi hồi, xúc động. Nhất là khi nghe cô thuyết minh viên trẻ tuổi kể lại cuộc sống giản dị của Người trong suốt thời gian làm việc ở đây.

Chị Triệu Thị Cẩm Lệ, thuyết minh viên khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào hướng dẫn du khách tham quan.

Theo đó, cách đây 73 năm về trước, suốt ba tháng sống, làm việc tại lán Nà Nưa, điều kiện sống và làm việc của Bác Hồ hết sức kham khổ, bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối. Cuối tháng 7 năm 1945, giữa lúc tình hình cách mạng đang tiến triển có lợi cho quân và dân ta, Bác Hồ của chúng ta bị ốm, lúc tỉnh lúc mê, khiến mọi người vô cùng lo lắng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc ấy đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân, dưới làng Tân Lập, xã Tân Trào, hàng ngày lên lán Nà Nưa báo cáo tình hình công việc với Bác. Một hôm, thấy Bác rất yếu, đồng chí xin phép ở lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Dù ốm nặng, nhưng hễ tỉnh dậy là Bác nghĩ ngay đến việc chung, đến sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp cử người báo cáo tình hình sức khoẻ của Bác với Trung ương và tìm người chữa bệnh. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già không biết từ đâu đến xin chữa bệnh cho Bác. Bác đỡ dần và làm việc được ngay. Bác chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Người nói với Thường vụ Trung ương: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Chăm chú nghe câu chuyện về cuộc sống kham khổ của Bác Hồ và các đồng chí Trung ương ở Tân Trào, nhiều du khách lặng đi vì xúc động. Mọi người rưng rưng ngắm nhìn căn lán nhỏ, chỉ đơn sơ vách nứa, mái lá, mà từ đây đã ra đời nhiều quyết sách quyết định thắng lợi cuối cùng của cách mạng nước ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau khi kết thúc hành trình tham quan, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng cô thuyết minh viên trẻ tuổi Triệu Thị Cẩm Lệ. Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày, mộc mạc, giản dị cùng nụ cười đôn hậu thường trực trên môi, vẻ đẹp của cô gái thu hút sự chú ý đặc biệt của người đối diện. Được biết, Lệ tốt nghiệp khoa Việt Nam học, Trường Đại học Thái Nguyên năm 2014 và bắt đầu công việc tại đây gần ba năm nay. Lệ cũng là người con của quê hương Tân Trào. Vì thế, mỗi góc rừng, khe suối, mỗi con đường mòn và từng điểm di tích nơi đây đã trở nên rất đỗi thân thuộc với cô. Theo tâm sự của Lệ, từ khi còn rất nhỏ, Lệ đã được ông nội là cụ Triệu Văn Chiu, 82 tuổi, từng làm liên lạc cho cách mạng tại “Thủ đô kháng chiến” kể cho nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ, về cán bộ Việt Minh trong thời gian hoạt động tại khu rừng lịch sử Tân Trào hơn 70 năm về trước. Đặc biệt, lúc còn nhỏ, mỗi khi theo ông nội vào thăm khu di tích, thấy các cô hướng dẫn viên say sưa thuyết minh trước các du khách, cô đã ước sau này trở thành một thuyết minh viên, được đóng góp công sức của mình cho quê hương Tân Trào.
“Cô gái kể chuyện về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động quá. Nghe cô ấy kể, rồi tận mắt chứng kiến những hiện vật được trưng bày tại đây, chúng ta càng thấu hiểu về thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, càng biết ơn Bác Hồ và các bậc tiền bối đã vượt qua bao gian nan, thử thách để lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam…” – Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, du khách đến từ xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ. Góp chung câu chuyện, bà Trần Bích Phượng, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội cũng bày tỏ: “Tôi không cầm được nước mắt khi nghe cháu gái kể về thời khắc Bác bị ốm nặng, tưởng chừng không qua được, may nhờ ông lang già xuất hiện nấu lá thuốc cho Bác uống nên Người khỏi bệnh. Chỉ tiếc rằng khi Bác Hồ của chúng ta khỏe lại thì “tiên ông” kia cũng đi từ lúc nào. Sau này, dù cách mạng đã cố công tìm kiếm nhưng không biết cụ ở đâu để đáp đền công ơn…”.
Bài, ảnh: HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.