Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:27:01

Cảnh báo nguy cơ sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Ngày đăng: 02/08/2016

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất… tại các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Mặc dù các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đã triển khai những biện pháp như: Di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, dự báo, cảnh báo sạt lở… nhưng nỗi lo sạt lở đất vẫn hiện diện, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống bình yên của người dân.

Một số thiệt hại do mưa lũ gây ra

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 2 thập kỷ qua, toàn tỉnh Điện Biên xảy ra hơn 30 trận lũ quét, lũ ống làm 229 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương; hàng trăm công trình thủy lợi, giao thông bị phá hủy, hàng triệu mét khối đất đá bị sạt lở làm ách tắc nhiều tuyến đường. Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Điện Biên, từ đầu năm 2016 đến nay, hiện tượng dông, lốc kèm theo mưa to diễn ra tại một số địa phương đã làm 3 người thiệt mạng, 10 người bị thương, 25 nhà bị đổ, trôi theo dòng lũ; 119 nhà có nguy cơ sạt lở cần di dời; 123 nhà bị tốc mái do lốc xoáy; 319ha lúa bị mất trắng; 41 tuyến đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp… ước tính thiệt hại lên tới 326 tỷ đồng.

Còn nhớ tháng 7-2015, tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, mưa lũ đã làm sạt lở đất đá, khiến hàng chục héc-ta hoa màu của người dân cùng nhiều tài sản khác bị thiệt hại. Nguy hại hơn, mưa lũ đã làm cho hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhất là tuyến đường từ Km45, Quốc lộ 4H đi xã Nà Hỳ đã bị ngập và sạt lở nghiêm trọng; đứt gãy một đoạn, gây cô lập 3 xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa với trung tâm huyện Nậm Pồ… Cùng với đó, mưa lớn tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) cũng đã khiến hơn 5.000m3 đất, đá sạt lở trên tuyến Tỉnh lộ 142 (từ Na Tung đến cầu Tạo Sen); khoảng 4.000m3 đất, đá sạt lở trên đường giao thông nội thị tại 5 khu điểm tái định cư. Mưa lớn cũng khiến cho 2,46ha lúa mùa của người dân bị ngập úng, vùi lấp; 3 tuyến đập đầu nguồn bị nước lũ cuốn trôi…

Một điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 142, đoạn qua địa bàn xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) khiến cho giao thông bị ách tắc.

Một điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 142, đoạn qua địa bàn xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) khiến cho giao thông bị ách tắc. 

Không chỉ tỉnh Điện Biên, mà ở tỉnh Bắc Kạn, vào thời điểm này, các cấp chính quyền của tỉnh đã phải tiến hành hỗ trợ và di dời khẩn cấp 4 hộ dân ở thôn Nà Pài, xã Dương Quang, TP Bắc Kạn đến nơi ở tạm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Đây là những hộ dân sinh sống ngay bên bờ sông Nặm Cắt có nguy cơ bị cuốn trôi khi mưa lũ xảy ra. Còn tại tỉnh Sơn La, mưa lũ cũng gây sạt lở và thiệt hại nghiêm trọng tại các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, làm ảnh hưởng đến 34 hộ dân, thiệt hại khoảng 22,5ha lúa do bị ngập úng. Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng…

“Chạy đua” trước mùa mưa bão

Có mặt tại công trường khắc phục sự cố sạt lở thuộc Km3+700, Tỉnh lộ 142 trên địa bàn xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), chúng tôi thấy hàng nghìn mét khối đất, đá kèm bùn lầy đang vùi lấp một đoạn đường và kè bê tông dài hàng trăm mét. Hơn chục chiếc máy xúc, xe tải, máy công trình vẫn đang hối hả san gạt bùn đất giải tỏa mặt bằng để các phương tiện lưu thông.

Ông Đỗ Hoài Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý dự án Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và quản lý giao thông tỉnh Điện Biên cho biết: “Tuyến đường này có nhiều phương tiện lưu thông qua lại, nhưng có nguy cơ sạt lở rất cao. Đầu tháng 6-2015, tại đây đã xảy ra vụ sạt lở làm toàn bộ ta luy cùng hàng nghìn mét khối đất, đá tràn xuống vùi lấp cả một đoạn dài Tỉnh lộ 142 từ Điện Biên đi Lai Châu. Ngay khi xảy ra sạt lở, Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã huy động các lực lượng trên địa bàn phối hợp san gạt, phân luồng giao thông. Cho đến thời điểm này, đơn vị đã san gạt được hàng nghìn mét khối đất, đá và khẩn trương thông tuyến, không để xảy ra ùn tắc giao thông”.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Điện Biên) nhấn mạnh: “Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ, sạt lở gây ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác dự báo và cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng lưới trạm quan trắc đo đạc, nhất là các trạm đo mưa tại các vùng thường xuyên bị sạt lở đất. Cùng với đó cần khảo sát và cập nhật thường xuyên hiện trạng lũ quét, sạt lở đất và xác định vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét…”.

Mùa mưa bão đã bắt đầu, hiện nay nhiều tuyến giao thông trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc đang đứng trước nguy cơ sạt lở là một thực tế. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường theo dõi, cảnh báo, phối hợp chặt chẽ, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top