Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:04:46

Cần có cái nhìn khách quan về lịch sử

Ngày đăng: 28/02/2022

QK2 – Những ngày qua, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2022), trên nhiều trang mạng phản động, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc về Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; xuyên tạc nhận định của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nguyên nhân Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã; tuyên truyền sai lệch về tình hình kinh tế, chính trị đất nước, cho rằng “Việt Nam đang bước vào thời kỳ trầm trọng của khủng hoảng toàn diện, bị uy hiếp cả hai phương diện đối nội và đối ngoại”… Những luận điệu xảo trá này đã bị lịch sử phủ nhận, bởi nó phản ánh sai sự thật và hoàn toàn đối lập với nguyện vọng, mong muốn của nhân dân ta.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 học tập, tìm hiểu truyền thống qua các nhân chứng lịch sử tại Bảo tàng Điện Biên Phủ.

Hẳn nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới không thể quên, cách đây hơn 30 năm, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô thành lập từ năm 1912 đã bị tan rã. Đó là thất bại vô cùng lớn của Đảng Cộng sản Liên Xô và hệ thống các nước XHCN. Nguyên do dẫn đến “cơn địa chấn chính trị” này là do các Đảng Cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã xa rời thực tiễn, rơi vào tình trạng giáo điều về tư tưởng, sa sút về tinh thần, suy thoái về tổ chức, tha hóa về đạo đức, đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Nền dân chủ XHCN bị xói mòn bởi tình trạng tập trung quyền lực và tệ sùng bái cá nhân, tệ quan liêu, duy ý chí của đội ngũ cán bộ khiến cho các mâu thuẫn xã hội tích tụ không được giải quyết. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mất dần tính hiệu quả và động lực phát triển do các quan hệ sản xuất coi nhẹ lợi ích cá nhân, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của con người. Cùng với đó là những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình cải tổ của ban lãnh đạo Liên Xô, đứng đầu là Gorbachev đã thủ tiêu nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện đa nguyên hóa chính trị, bãi bỏ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, quy định đa nguyên chính trị và hệ thống đa đảng… Những hành động sai lầm này đã hủy hoại uy tín của Đảng Cộng sản, làm mất phương hướng dư luận xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị XHCN tốt đẹp, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước chớp thời cơ, đẩy mạnh “diễn biến hoà bình”, tập hợp lực lượng để trỗi dậy, thành lập chính quyền đối lập. Như vậy, sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể chứ không phải sai lầm của một hệ thống lý luận như những kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn rêu rao!

Từ bài học thực tiễn sụp đổ của các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh, khi Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo đối với xã hội, khi niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị xói mòn sẽ là cơ hội “ngàn năm có một” để các thế lực phản động tung đòn tấn công quyết định làm tan rã chế độ. Vì vậy, các thế lực thù địch đang hàng ngày, hàng giờ tung ra nhiều tài liệu, bài viết, các ấn phẩm phản động; dựng chuyện, làm giả công văn giấy tờ, đơn thư nặc danh tới các cơ quan công quyền để khiếu nại tố cáo…; tán phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, chống phá chế độ XHCN ở nước ta.

Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới đã chứng minh chân lý khách quan: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng có lúc vấp phải sai lầm, khuyết điểm do chủ quan, duy ý chí nhưng nhờ sự nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm; tự đổi mới chỉnh đốn, giữ vững bản chất cách mạng, Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của toàn dân tộc để làm tròn trách nhiệm của Đảng cầm quyền trước dân tộc và đất nước. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đẩy mạnh đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao trước nhân dân. Chúng ta cần có thái độ khách quan, không vì tình trạng suy thoái, biến chất, hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà phủ nhận những công lao, cống hiến của Đảng đối với cách mạng Việt Nam và thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cũng không nên thổi phồng những khuyết điểm, yếu kém của một số cá nhân, tổ chức để bôi nhọ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Nếu nhận thức và hành động sai lầm, chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ chệch hướng XHCN và tự sụp đổ như Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”. Chân lý này đã được thực tiễn lịch sử chứng minh, không ai, không thế lực nào có thể phủ nhận, xuyên tạc.

HOÀNG DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.