Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 07:03:58

Cải cách giáo dục đại học theo Nghị quyết Trung ương 6

Ngày đăng: 04/11/2017

Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, Hội nghị Trung ương 6 đã khẳng định tất yếu việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT). Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu và người dân đã lên tiếng đồng tình ủng hộ. Song, trước khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Ngành GD-ĐT cũng cần nghiên cứu thêm để có bước đi phù hợp với xu hướng đổi mới.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy cả nước có hơn 230 trường đại học (ĐH), học viện với quy mô hơn 1,7 triệu sinh viên. Sự phát triển quá “nóng” về số lượng các cơ sở giáo dục ĐH trong thời gian dài trước đây đã để lại hệ lụy về sự khập khiễng giữa tăng tốc quy mô và nâng cao chất lượng. Cụ thể, tại các nước phát triển, các trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều thì các trường ĐH của nước ta chủ yếu chạy theo xu hướng đơn ngành, khép kín. Điều này gây khó cho hoạt động của chính trường ĐH bởi việc chỉ tập trung vào đơn ngành đào tạo khiến các trường không bắt nhịp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu chỉ ra, nếu một trường ĐH có tổng quy mô dưới 3.000 sinh viên, chi phí đào tạo sẽ bị đội lên rất cao. Vì vậy nếu là trường đa ngành, có khả năng đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế luôn biến động sẽ đảm bảo được quy mô đào tạo hợp lý.
Ở nước ta để giải quyết bài toán chi phí, nhiều trường đơn ngành tìm nhiều cách nhằm tăng quy mô, giảm chi phí đào tạo. Như vậy làm sao đảm bảo được chất lượng? Xã hội mong chờ những ưu việt mà kiểu trường này sẽ thể hiện như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, học với giảng viên giỏi nhất ở tất cả môn học… Cùng với đó, rất nhiều trường thiếu một chiến lược phát triển, thậm chí chiến lược phát triển không khả thi. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần nhanh chóng triển khai ngay, đồng bộ, quyết liệt và trách nhiệm các giải pháp cần thiết. Việc này không chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT mà còn liên quan tới các bộ, ngành khác và các địa phương. Trước khi Nghị quyết 19 được ban hành, việc sáp nhập một số cơ sở giáo dục đã được thực hiện nhưng chưa thành một chủ trương lớn.
Nghị quyết Trung ương 6 nhấn mạnh: Nhà nước sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường ĐH công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Theo đó, Nhà nước cần rà soát, danh mục hóa các trường trong diện phải sáp nhập, hợp nhất… rồi tính toán thực hiện theo lộ trình phù hợp. Để hiện thực hóa tinh thần nghị quyết đòi hỏi không chỉ ý chí của nhà lãnh đạo, mà còn cần sự đồng thuận của hệ thống chính trị.
Theo một số chuyên gia giáo dục nước ta, thực tế thời gian qua đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH không phải là nhỏ, nhất là với trường ĐH trọng điểm, các ĐH quốc gia… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong đợi. Theo đó, trước khi đầu tư chiều sâu thì phải sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống một cách bài bản, chọn được đúng địa chỉ đầu tư hiệu quả. Còn cứ đầu tư trong điều kiện giáo dục ĐH còn lùng nhùng như hiện nay có thể sẽ lãng phí. Đồng thời, đóng bớt một số ngành hoặc giảm quy mô ở những nơi chất lượng đào tạo kém và dùng công cụ tài chính để tạo ra sự cạnh tranh nguồn lực bằng chất lượng hiệu quả, thúc đẩy tự chủ. Xét về quy mô, nhân lực có trình độ ĐH ở nước ta vẫn còn rất thấp, mới khoảng 9%; trong khi ở các nước phát triển nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên khoảng 25-30%. Vì vậy, cần tránh khuynh hướng hạn chế phát triển giáo dục ĐH mà thiếu cơ sở khoa học.
NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.