Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:08:56

Cách mạng Tháng Mười Nga soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 25/10/2017

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam bế tắc về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức của chế độ thực dân, phong kiến. Nhiều phong trào do các sĩ phu yêu nước tiến hành đều không mang lại kết quả thiết thực. Trước tình hình đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười như “cuốn cẩm nang thần kỳ” của con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc Việt Nam.

“Cuốn cẩm nang thần kỳ”

Như một cuộc hẹn lịch sử, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam là đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (1). Đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân ta.

V. I. Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Ảnh minh họa. Nguồn: sggp. org.vn

Xác định rõ cách mạng Việt Nam phải đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ con đường, lực lượng, phương pháp cách mạng Việt Nam. Đó là con đường đánh đổ thực dân phong kiến, tư sản phản động, giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Lực lượng cơ bản của cách mạng là công nông, bởi “công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điều chủ nhỏ… là bầu bạn của cách mệnh” (2). Sử dụng phương pháp bạo lực của quần chúng nhân dân, bởi “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, để cách mạng Việt Nam thắng lợi nhất thiết phải xây dựng được một Đảng kiên trung, lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm nòng cốt.

Con đường cách mạng được khẳng định rõ ràng trong những văn kiện thông qua tại Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, đó là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (3). Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với cương lĩnh đúng đắn của Đảng là kết quả của sự vận động, phát triển cách mạng trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cách mạng Việt Nam.

Không chỉ soi sáng về lý luận, kinh nghiệm, sự lớn mạnh của Liên Xô và những chiến thắng quyết định của Hồng quân đối với chủ nghĩa phát xít tạo điều kiện quốc tế thuận lợi làm xuất hiện tình thế và thúc đẩy sự chín muồi thời cơ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ ít ngày sau, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông trên 1,2 triệu tên, lực lượng chủ yếu của phát xít Nhật. Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Việc Liên Xô đè bẹp chủ nghĩa phát xít, trực tiếp đánh bại đạo quân Quan Đông buộc chính phủ Nhật phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện là yếu tố tạo nên thời cơ cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cùng với nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một” “để đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã tiến hành tổng khởi nghĩa làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tuyên bố độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đó, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác như đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH.

Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, Liên Xô đã ủng hộ to lớn, toàn diện công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng CNXH của nhân dân ta. Nếu không có sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa đó, cách mạng Việt Nam ắt sẽ gặp không ít khó khăn và khó có được thành tựu như hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười” (4).

Sự lựa chọn đúng đắn

Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN, từ những giá trị bất hủ của Cách mạng Tháng Mười, từ những bài học thành công và thất bại của quá trình xây dựng CNXH trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997, 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngay càng được nâng cao. Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc và có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới cùng nhiều tổ chức quốc tế, khu vực.

Thực tiễn thành tựu của Việt Nam là thực tế sinh động góp phần phản bác sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê-nin và con đường xây dựng CNXH của nước ta. Xét cả về lý luận và thực tiễn, thành tựu mà Việt Nam giành được trong những năm qua đã chứng minh sự lựa chọn con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

(Theo QĐND)

 (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.314

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2 Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.288

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.1

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.392-393.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top