Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 08:57:21

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 3

Ngày đăng: 18/07/2018

Trước những diễn biến mới của bão số 3, các địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão đang chủ động tích cực triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3.

*Sáng 18-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.

Tính đến sáng 18-7, lực lượng BĐBP các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện với 237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

Đại tá Lê Hồng Quang, Phó trưởng Phòng PCTT, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết: Đây là cơn bão đầu tiên trong năm ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Do đó, các lực lượng chức năng cần duy trì liên lạc; BĐBP phối hợp với các địa phương nắm chắc các tàu còn hoạt động trên biển; chủ động sơ tán dân trên các lồng bè, các chỗ ở không an toàn; quân đội bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó thiên tai.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh hoặc không đi vào vùng nguy hiểm do bão số 3 gây ra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương tập trung tiêu úng, để cứu lúa, tổng kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du… (Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM)

* Hủy nhiều chuyến bay đến Nghệ An, Thanh Hóa do ảnh hưởng bão số 3

Ngày 18-7, Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, để bảo đảm an toàn bay, hãng sẽ hủy 4 chuyến bay đi, đến sân bay Vinh (Nghệ An) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào chiều tối 18-7.

Cụ thể, Jetstar Pacific sẽ hủy các chuyến bay BL528 từ TP Hồ Chí Minh đi Vinh, BL529 từ Vinh đi TP Hồ Chí Minh và các chuyến bay BL 490 từ TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa, BL491 từ Thanh Hóa đi TP Hồ Chí Minh vào chiều tối 18-7.

Để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách, Jetstar Pacific đồng thời cũng bố trí tăng chuyến bay bù vào ngày 19-7, bao gồm các chuyến bay BL8528 từ TP Hồ Chí Minh đi Vinh cất cánh lúc 12 giờ 5 phút, BL8529 từ Vinh đi TP Hồ Chí Minh lúc 14 giờ 30 phút; từ TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa có chuyến bay BL490 lúc 5 giờ 30 phút và chuyến bay BL491 từ Thanh Hóa đi TP Hồ Chí Minh cất cánh lúc 8 giờ 5 phút. Dự kiến, một số chuyến bay ở các sân bay khác cũng có thể bị ảnh hưởng, thay đổi giờ bay theo tình hình thực tế của thời tiết.

Hãng hàng không Vietjet cho biết, ngày 18-7, hãng ngừng khai thác các chuyến bay VJ218/VJ219/VJ224/VJ225 trên chặng TP Hồ Chí Minh – Vinh do ảnh hưởng của bão. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, để bảo đảm an toàn trước ảnh hưởng của bão, hãng sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ sân bay Vinh lên trước 17 giờ 35 ngày 18-7. Cụ thể, các chuyến bay bị ảnh hưởng gồm VN1268, VN1266 chặng TP Hồ Chí Minh – Vinh; VN1269, VN1267 chặng Vinh – TP Hồ Chí Minh; VN1715 chặng Hà Nội – Vinh, VN1714 chặng Vinh – Hà Nội. Các chuyến bay này sẽ có giờ khai thác sớm hơn từ 2 giờ 55 phút đến 5 giờ. (MẠNH HƯNG)

* Lữ đoàn 147 hỗ trợ nhân dân phòng chống bão số 3 tại Quảng Ninh

Để đối phó với cơn bão số 3 khi đổ bộ vào đất liền, sáng 18-7, tại Quảng Ninh, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147, Vùng 1 Hải quân đã điều động hơn 90 cán bộ, chiến sĩ giúp các xã của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh phòng chống bão số 3.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 147 tổng dọn vệ sinh ở phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn cho biết: Đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với cán bộ, đoàn viên, thanh niên địa phương triển khai công việc nhanh nhất, tập trung gia cố đê và khơi thông dòng chảy phòng chống mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. (Tin, ảnh: VŨ HƯỞNG-ĐOÀN HIỆP)

* Vùng 1 Hải Quân chủ động ứng phó với bão số 3

Ngày 18-7, Hải đội 137, Vùng 1 Hải Quân đã triển khai toàn diện công tác phòng chống bão số 3.

Sau khi nhận được điện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân về việc triển khai phòng chống bão số 3, Hải đội 137 đã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, kho, trạm, các tàu làm tốt công tác chống bão. Hải đội đã triển khai duy trì liên tục hệ thống thông tin liên lạc, liên tục cập nhật thông tin diễn biến của bão; rà soát điều chỉnh bổ sung các phương án bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm tàu thuyền xuất phát nhanh tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra; hướng dẫn các tàu của ngư dân vào khu tránh bão, trong sáng 18-7 đã hướng dẫn cho 7 lượt tàu với 35 ngư dân vào tránh bão ở khu neo đậu Sông Lam. (HOÀNG MINH-VĂN ĐỊNH)

 

* Nam Định cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương, sở, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Từ 5 giờ ngày 18-7, các địa phương ven biển Nam Định thực hiện cấm biển, không cho ngư dân ra khơi; bằng mọi biện pháp thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; có phương án di dời dân đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện khi neo đậu; kêu gọi, sơ tán người lao động canh coi tại các chòi canh ngao vào bờ xong trước 12 giờ ngày 18-7.

Các huyện, thành phố triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là đối với công trình đang thi công; rà soát chặt chẽ, triển khai phương án phòng, chống bão tại các địa phương; chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão và duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

Cùng với đó, các địa phương huy động phương tiện, nhân lực tổ chức chằng chống nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, bến bãi. Các địa phương ven biển có bãi tắm như: Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy) tạm dừng các hoạt động thăm quan du lịch, tắm biển để đảm bảo an toàn cho du khách.

Nam Định có hơn 2.100 tàu thuyền với hơn 5.720 lao động. Tính đến sáng 18-7, đã có 2.021 phương tiện với 5.390 ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Ở khu vực ven biển Nam Định có hơn 1.000 lều, chòi nuôi ngao với hơn 1.300 ngư dân, tất cả mọi người đã nhận được thông tin về cơn bão để chủ động vào bờ. (TTXVN)

 Toàn bộ tàu thuyền tại Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn

Tại tỉnh Nam Định đang có mưa vừa, một số nơi ở ven biển có mưa to kèm theo gió giật mạnh. Tính đến đầu giờ chiều 18-7, toàn bộ 2.124 tàu với 5.726 lao động tỉnh Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn. Các địa phương ven biển Nam Định cũng đã kêu gọi toàn bộ 1.317 lao động tại 1.024 lều, chòi ở vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào bờ.

Tàu thuyền neo đậu tại Khu Tránh trú bão ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương, sở, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Từ 5 giờ ngày 18-7, các địa phương ven biển Nam Định thực hiện cấm biển, không cho ngư dân ra khơi. (Tin, ảnh: TTXVN)

* Ninh Bình triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III

Các địa phương và các ngành hữu quan tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 3. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, đến 9 giờ ngày 18-7, tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi được 132 tàu, thuyền với 381 ngư dân trong tổng số 145 phương tiện với 409 ngư dân vào bờ neo đậu an toàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã vận động được 87 lao động trên các chòi nuôi ngao tại huyện Kim Sơn vào bờ. Hiện vẫn còn 13 phương tiện với 28 ngư dân đang hoạt động gần bờ (đang ở trên bãi do cạn nước) và còn 56 lao động trên các chòi canh ngao.

Bên cạnh việc nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, các lực lượng tỉnh Ninh Bình tiếp tục kêu gọi triệt để các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn xong trước 12 giờ ngày 18-7.

Mặt khác, tỉnh triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III (huyện Kim Sơn) và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn xong trước 12 giờ ngày 18-7; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn.

Tại các địa phương trong tỉnh, tỉnh Ninh Bình huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cây cối, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, bến bãi…; kiểm tra, rà soát và chủ động phương án tiêu thoát nước đô thị để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão; tổ chức tính toán hồ chứa, vận hành xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập, công trình, hạ du và khai thác tổng hợp nguồn nước sản xuất, chủ động đưa mực nước về mực nước đón lũ chính vụ theo quy trình… (TTXVN)

* Hải Phòng khẩn trương phòng chống bão số 3

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thành phố Hải Phòng đang triển khai nhiều biện pháp khẩn trương phòng chống bão.

Ngày 17-7, Ủy ban nhân dân thành phố đã có công điện khẩn số 04/CĐ-CT yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương kiểm đếm, thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển, khẩn trương di chuyển về nơi tránh bão an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch biển. Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão và ngập úng, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, các khu nhà cũ yếu, các khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở cao và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu… (TTXVN)

* Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An chủ động ứng phó với bão số 3

Sáng 18-7, thông tin từ Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An cho biết, tàu cá số hiệu NA 96588 do anh Trần Ngọc Biển, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng, trên tàu có 17 ngư dân được cho là bị mất liên lạc trên biển trước đó đã vào bờ an toàn.

Cán bộ Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An hướng dẫn tàu thuyền ngư dân neo đậu.

Theo đó, tối 17-7, tàu cá trên cùng toàn bộ ngư dân đã vào đến cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu neo đậu an toàn, trước đó tàu cá trên được cho là mất liên lạc với đất liền khi trên đường tránh bão. Liên quan đến tình hình ứng phó với cơn bão số 3, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã liên lạc, hướng dẫn, kêu gọi tất cả 3.868 phương tiện/ 18.189 lao động địa phương đang hành nghề khai thác thủy, hải sản trên biển vào bờ tránh trú bão. Hiện tại đã có 3.799 phương tiện/17.432 lao động của địa phương về các cảng cá, cửa lạch trên địa bàn tỉnh trú ẩn an toàn, số còn lại đang vào neo đậu tại các âu tàu thuyền của tỉnh bạn.

Hiện tại, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An đã triển khai 2 đoàn công tác xuống địa bàn các đồn biên phòng tuyến biển để kiểm tra, đôn đốc công tác giúp dân ứng phó với cơn bão số 3. (Tin, ảnh: VIỆT LAM)

* Trước những diễn biến mới của bão số 3, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã triển khai các giải pháp để ứng phó với bão.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, đảm bảo thông tin liên lạc, 100% quân số trực tại đơn vị; chủ động theo dõi nắm chắc tình hình; xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án và các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bộ CHQS các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có phương án điều chỉnh kế hoạch sát với tình hình thực tế, đặc biệt, chỉ đạo các vùng xung yếu thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất tổ chức lực lượng về các địa bàn trọng điểm, ứng trực, sẵn sàng đối phó những tình huống trước trong và sau bão.

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra công tác chuẩn bị huy động phương tiện phòng chống lụt bão tại Ban CHQS huyện Hương Sơn.

Sáng 18-7, Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh Quân khu 4 làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra công tác ứng phó bão tại Ban CHQS huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

 Theo đó, Đoàn công tác kiểm tra hệ thống doanh trại, kho tàng, phương tiện PCTT- TKCN cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm bảo đảm cho nhiệm vụ ứng phó với bão và công tác cứu hộ, cứu nạn.  Các đơn vị địa phương chuẩn bị kỹ phương án giúp nhân dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất… (Tin, ảnh: HOA LÊ)

 * Phú Thọ cảnh báo người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 18-7 trên khu vực tỉnh Phú Thọ dự kiến sẽ có mưa to, có nơi mưa rất to.

Để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra, tỉnh Phú Thọ đang bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực dễ bị chia cắt để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết.

Các địa phương khẩn trương có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; kiểm tra, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng trũng thấp ven sông, suối, ngòi, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang để đảm bảo an toàn… (TTXVN)

* Bộ CHQS Thanh Hóa tích cực ứng phó với bão số 3

Theo báo cáo của các địa phương, mưa lũ trong những ngày vừa qua tại Thanh Hóa đã khiến 2 ngư dân mất tích, đồng thời gây thiệt hại tài sản, công trình giao thông, gây ngập lụt gần 10.000ha lúa hoa màu và khu vực nuôi trồng thủy sản của nhân dân các huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa…

Neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Bộ CHQS Thanh Hóa đã triển khai nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trực 100% quân số; sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh; đồng thời phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP Thanh Hóa kêu gọi tàu vào nơi tránh trú an toàn; toàn tỉnh có 7.475 phương tiện với 27.901 lao động, hiện nay 100% các phương tiện đã vào nơi tránh trú an toàn. (Tin, ảnh: KHÁNH TRÌNH)

* LLVT Quân khu 3: Sẵn sàng ứng phó với bão số 3

Trước thông tin bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Quân khu 3, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa bão, nhất là Bộ CHQS các tỉnh, thành phố ven biển như: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động; kiểm tra chằng buộc nhà cửa, kho tàng; phối hợp với các lực lượng tuyên truyền ngư dân đưa tàu, thuyền vào nơi tránh bão an toàn.

LLVT Quân khu 3 giúp nhân dân neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão.

Tính đến 17 giờ ngày 18-7, riêng LLVT Hải Phòng đã có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ tham gia tuyên truyền, kêu gọi hơn 400 tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão và giúp nhân dân phòng, chống bão. Đối với LLVT Quân khu 3 đã có hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuyên truyền, kêu gọi hàng nghìn tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão và giúp nhân dân di chuyển đồ đạc, chằng buộc nhà cửa. (Tin, ảnh: THANH SANG)

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.