Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 05:47:42

Bỏ phiếu mùa đi nương

Ngày đăng: 13/05/2016

Vùng cao biên giới Tây Bắc đang trong cao điểm mùa khô, khi những bông hoa ban cuối cùng bung nở, trái đào rừng chín ửng hồng như má con gái… cũng là lúc đồng bào vào chính mùa đi nương. Mùa nương năm nay, bà con các dân tộc nơi đây lại thêm một lần thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình-bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Hòm phiếu trong “mây”

Một ngày đầu tháng 5 oi ả, nắng táp cháy khô lá chuối rừng, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở hai điểm bản Nà Si, Nhóm Bố, xã Tá Bạ trở về. Gạt những giọt mồ hôi mướt mải trên gương mặt đỏ bừng, anh chia sẻ: “Đây là hai điểm bản xa nhất trong địa bàn quản lý của đồn. Để tới được đây, anh em bộ đội phải đi bộ 4-5 tiếng đồng hồ liên tục. Những ngày qua, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ bầu cử, bộ đội biên phòng đã tổ chức đến tất cả các bản trong hai xã Ka Lăng, Tá Bạ để tuyên truyền công tác bầu cử. Đồng bào vùng này chủ yếu là người Hà Nhì, La Hủ, cuộc sống nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, tuy nhiên đến nay, tất cả các điểm dân cư đều đã được phổ biến kế hoạch bầu cử, giới thiệu, niêm yết danh sách cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND xong xuôi”.

Theo Đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, tỉnh có 23 xã biên giới, trong đó có hai xã do địa hình chia cắt, xa xôi nên sẽ bầu cử sớm vào ngày 15-5 là Mù Cả và Tá Bạ. Xã Mù Cả hiện có 467 hộ, 2.132 khẩu và 3 điểm di cư của người Mông; xã Tá Bạ có 336 hộ với 1.870 nhân khẩu. Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu lần này dự bầu 84 người, chọn bầu 50 người, trong hai ứng cử viên là bộ đội biên phòng có Đại tá Phan Hồng Minh. Hiện nay, các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến tận các bản xa nhất, cao nhất, nhiều tổ công tác địa bàn phải lên tận các lán nương của bà con trên núi cao. Nhiều điểm bỏ phiếu ở trên độ cao 1.600m, quanh năm mây phủ như Sì Lờ Lầu, Dào San của Phong Thổ, Ka Lăng, Mù Cả của Mường Tè…

Gặp chúng tôi ở xã Sì Lờ Lầu khi vừa đi trồng chuối xuất khẩu ở tận xã khác, ông Tẩn Phù Tông, Trưởng bản Lả Nhì Thàng hồ hởi khoe: “Năm vừa rồi, bà con được mùa chuối với thảo quả, sắp tới lại tham gia bầu cử nữa, dù bận việc nương rẫy đến mấy thì ai cũng sẽ về đi bỏ phiếu. Chính quyền cùng bộ đội biên phòng và cán bộ thôn, bản đã tuyên truyền, phổ biến đến tất cả bà con nội dung bầu cử rồi, đến ngày giờ là dù làm gì, ở đâu cũng sẽ thu xếp về tham gia đầy đủ, chỉ còn mấy ngày nữa thôi mà”.

Bà con xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu dọn dẹp vệ sinh thôn, bản trước ngày hội bầu cử. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Bà con xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu dọn dẹp vệ sinh thôn, bản trước ngày hội bầu cử. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Ý nguyện từ biên cương

Ở bờ bên kia sông Đà, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (ngã ba biên giới Việt-Lào-Trung), không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử cũng rất sôi nổi, sẵn sàng. Vừa dự cuộc tiếp xúc cử tri của ứng viên đại biểu HĐND tỉnh xong, ông Pờ Dần Xinh người Hà Nhì (từng 20 năm tham gia hội đồng nhân dân xã và huyện) ở bản Tả Kố Khừ bày tỏ: “Là người từng nhiều năm tham gia hội đồng nhân dân hai cấp, tôi hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Xã Sín Thầu chúng tôi hiện có 283 hộ, 1.350 khẩu, 100% là người Hà Nhì. Bà con luôn luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời rất nghiêm túc, cẩn thận thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân. Mỗi người khi trở thành đại biểu phải thực sự lắng nghe, tiếp thu và thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri, làm cầu nối giữa cử tri và cơ quan nhà nước cấp trên. Trong đó, chúng tôi mong muốn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo tiếp tục được quan tâm đầu tư, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, chúng tôi bày tỏ nguyện vọng làm sao để chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, kinh tế-xã hội cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng đi lên”.

Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tuyên truyền luật bầu cử trên địa bàn. Ảnh: ĐỨC DUẨN.

Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tuyên truyền luật bầu cử trên địa bàn. Ảnh: ĐỨC DUẨN.

Phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Pờ Diệu Ninh cho biết, địa bàn huyện có 11 xã với 118 bản, hơn 38.000 dân, 10 dân tộc anh em chung sống. Kỳ bầu cử lần này, toàn huyện có 6 đơn vị bầu cử, trong đó bầu cử HĐND huyện có 49 ứng viên, bầu 30 người. Địa bàn huyện Mường Nhé rộng, chia cắt nên việc tuyên truyền, phổ biến về bầu cử cũng gặp không ít khó khăn. Tuy vậy đến nay, công tác tuyên truyền đến từng bản, kể cả những bản xa, phải đi bộ nửa ngày trời như Tả Lao San, ở Sen Thượng, Pá Mì… đều đã hoàn thành. Tất cả cờ, băng rôn, tờ rơi tuyên truyền đều đã chuyển đầy đủ đến từng hộ gia đình. Không chỉ có vậy, huyện còn phối hợp với Đài Phát thanh-truyền hình và Phòng Văn hóa huyện tăng cường các buổi phát thanh, tổ chức các đêm giao lưu văn hóa-văn nghệ ở xã để bà con hiểu rõ tinh thần, nội dung bầu cử. Bà Pờ Diệu Ninh chia sẻ: “Với tư cách là một cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đồng thời là một ứng cử viên đại biểu HĐND huyện, tôi mong muốn thông qua Quốc hội, HĐND các cấp, tâm nguyện của cử tri đến được với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, mong sao chính sách an sinh xã hội được chú trọng, học sinh dân tộc thiểu số tất cả được đến trường học hành, có cơ hội làm việc để góp phần xây dựng, bảo vệ biên cương đất nước”.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top