Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 04:20:03

Bộ đội Tây Bắc sống trong lòng nhân dân

Ngày đăng: 07/10/2019

QK2 – Lịch sử 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ các Lực lượng vũ trang Quân khu 2 luôn được sống trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Bộ đội làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc giữ làng. Nhân dân là hậu phương tại chỗ, bao bọc, chở che, nuôi dưỡng bộ đội đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân đội tổ chức đánh giặc bằng lối đánh du kích, góp phần tạo thành sức mạnh to lớn trong các chiến dịch, trận đánh; đóng góp sức người, bổ sung cho các đơn vị lực lượng vũ trang. Nhiều đơn vị dân quân du kích, tự vệ trở thành điểm sáng trong chiến đấu, lao động công tác trên địa bàn Quân khu.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tây Bắc là địa bàn trọng yếu, là chiến trường trọng điểm diễn ra các chiến dịch lớn. Quân và dân Tây Bắc đã kết hợp chặt chẽ tạo sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu; vừa chiến đấu, vừa xây dựng chính quyền cơ sở. Bên cạnh các chiến dịch then chốt, quyết định, quân – dân Tây Bắc còn kết hợp đánh địch càn quét, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của giặc, tiễu phỉ, trừ gian bảo vệ địa bàn; tạo lập thế trận; đánh chặn, cắt giao thông tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch cơ động… Những chiến công ấy đã góp phần vào chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc trong kháng chiến chống Pháp.

Một số hiện vật do nhân dân Tây Bắc tặng bộ đội được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 2.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Bắc vừa là hậu phương lớn chi viện, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, vừa xây dựng đời sống mới, củng cố chính quyền nhân dân; tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc. Nhiệm vụ tiễu phỉ, tiêu diệt thám báo, biệt kích cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng, khó khăn.

Lịch sử truyền thống Quân khu ghi “Do những đặc điểm địa lý, địa hình thuận lợi cho hoạt động biệt kích thám báo, vì vậy, Mỹ, Ngụy đã thực hiện nhiều phi vụ tung biệt kích, thám báo xuống vùng Tây Bắc, đặc biệt vùng biên giới Việt Lào, kết hợp với bọn phỉ để chống phá ta”. Nhằm phát hiện và dập tắt những vụ vũ trang bạo loạn ở địa bàn biên giới cũng như nội địa, để nắm địch, các cơ quan quân sự, đơn vị vũ trang phối hợp với nhân dân, nhân dân là tai mắt để các lực lượng trinh sát phối hợp tạo thành mạng lưới quân báo nhân dân. Lịch sử còn ghi lực lượng dân quân, du kích ở Phù Yên, Sơn La; Tuần Giáo, Lai Châu; Yên Bái… đã nhiều lần cùng nhân dân tổ chức phát hiện và vậy bắt các toán biệt kích nhảy dù, len lách từ Lào sang, bảo vệ chính quyền và cơ sở bộ đội của ta.

Những thành quả phối hợp công tác của quân – dân Tây Bắc được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ ghi nhận. Chỉ từ tháng 5-1952 đến tháng 6-1965, Bác Hồ đã gửi 15 bức thư, điện động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, thể hiện tấm lòng yêu thương, quan tâm, tin tưởng dành cho bộ đội, đồng bào và cán bộ vùng Tây Bắc.

Ngày 23-6-1965, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Hồ đã viết “Thư gửi bộ đội, đồng bào và cán bộ Tây Bắc”, trong đó, Bác nhắc nhở bộ đội, đồng bào và cán bộ Tây Bắc, phải luôn cảnh giác, chớ vì thắng lợi mà chủ quan, khinh địch. Bác cũng yêu cầu bộ đội và đồng bào Tây Bắc hãy phát huy truyền thống vẻ vang Điện Biên Phủ, đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc anh em, giữa bộ đội và nhân dân, thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, quyết giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Tại Bảo tàng Quân khu 2 lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật thể hiện tình cảm, sự yêu mến, đùm bọc, chở che của đồng bào đối với bộ đội. Có những hiện vật giản dị mà các tầng lớp nhân dân tặng bộ đội Tây Bắc như: Chiếc khăn piêu của đồng bào dân tộc Thái (Sơn La); những chiếc túi đựng thuốc đánh răng của các cháu học sinh Yên Châu, Nghĩa Lộ tự thêu, khâu tay bằng chất liệu thổ cẩm; chiếc khăn quàng đỏ thêu tay; bức châm với dòng chữ thêu tay: “Đại hội cháu ngoan Bác Hồ huyện Văn Chấn kính tặng các chú bộ đội”… gây xúc động cho người tham quan. Theo Thượng tá Lê Thị Thu Hà, cán bộ Bảo tàng Quân khu, qua tìm hiểu truyền thống thấy rằng, trong kháng chiến, nhiều gia đình đã vét cả thóc giống, nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo phục vụ bộ đội. Nhiều phụ nữ, người già chẳng quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương… Đó là những hiện vật gần gũi, là tình cảm của đồng bào dành cho bộ đội, trở thành nguồn lực tinh thần to lớn để bộ đội Tây Bắc hoàn thành nhiệm vụ.

Những câu chuyện ấy còn mãi vẹn nguyên trong lịch sử truyền thống của quân – dân các dân tộc Tây Bắc, góp phần viết nên trang sử vẻ vang của LLVT Quân khu; là bài học kinh nghiệm quý để lực lượng vũ trang góp phần xây dựng “Thế trận lòng dân”, vun đắp tình đoàn kết quân – dân trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.