Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:34:39

Bộ đội “4 cùng” giúp dân về bản mới

Ngày đăng: 19/07/2016

QK2 – Hai năm gần đây, sự đói nghèo, lạc hậu không còn ám ảnh nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Mông ở các bản: Mường Toong 5, 6, 7, 8, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nghe theo lời khuyên của bộ đội Đoàn kinh tế-quốc phòng 379 (KT-QP 379), Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, bà con đã bảo nhau rời “miền đất hứa” – bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé để về đây xây dựng cuộc sống mới, sớm an cư lạc nghiệp.

NHỮNG NGÀY CƠ HÀN Ở CÀ LÀ PÁ
Được thành lập năm 2002 với 26.000 nhân khẩu, nhưng đến năm 2011, dân số của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã lên tới 56.000 người, tập trung chủ yếu ở bản Húi To, xã Chung Chải và bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, tức là dân số tăng hơn gấp đôi trong chưa đầy 10 năm. Theo Đại tá Mùa A Lồng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, nguyên nhân chủ yếu khiến đồng bào dân tộc Mông di cư về đây là do họ bị kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền rằng, đến Mường Nhé sẽ được “vua Mông” hỗ trợ làm nhà, xây trường cho con em đi học… Trước khi về Cà Là Pá , họ bán hết nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò để bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi mà mình chưa từng biết đến, bất chấp những rủi ro, khó khăn và hiểm nguy… ở phía trước.
Do số lượng các hộ dân sống tập trung quá đông ở một địa bàn, đã phá vỡ quy hoạch của địa phương; tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên; tỷ lệ đói nghèo trong các hộ dân di cư lên đến 92%. Đặc biệt, tại đây, nhiều loại bệnh tật, tệ nạn xã hội gia tăng, tình hình an ninh chính trị hết sức phức tạp; người dân phải sống lay lắt qua ngày trong những mái nhà tạm bợ trong điều kiện nước sinh hoạt vô cùng khan hiếm, không đủ đất đai canh tác, con cái đến tuổi không được đến trường; hằng ngày, người dân phải vào rừng hái măng, kiếm củi, săn bắn để duy trì sự sống. Cái đói, cái nghèo, lạc hậu cứ bám riết lấy cuộc sống của đồng bào.
Để ổn định dân cư, tháng 1-2012, theo đề nghị của UBND tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79 “Phê duyệt đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” (gọi tắt là Đề án 79). Ngay sau khi có đề án và được UBND tỉnh Điện Biên giao nhiệm vụ di dời hơn 140 hộ dân từ các xã Chung Chải, Leng Su Sìn về thành lập 5 bản mới tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, Ban Chỉ đạo 79 Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đã thành lập các tổ công tác tiến hành vận động bà con về nơi ở mới, ổn định đời sống.

Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 379, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên giúp người dân  bản Mường Toong 7, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé dựng nhà.

Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 379, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên giúp người dân
bản Mường Toong 7, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé dựng nhà.

NIỀM VUI VỀ BẢN MỚI
Một ngày đầu tháng 7, khi chúng tôi cùng Trung tá Phùng Lư Giang, Đội trưởng Đội Sản xuất số 5 và Đại tá Dương Mạnh Hùng, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379 đến bản Mường Toong 7, xã Mường Toong thì mặt trời đã sắp đứng bóng, nhưng cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đội Sản xuất số 5 (Xí nghiệp 79, Đoàn KT-QP 379) và một số người dân ở bản lân cận vẫn tập trung dựng nhà giúp gia đình các ông Vàng Nhịa Chứ, Giàng A Dua – hai hộ dân mới chuyển về từ “miền đất hứa” Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn về đây. Cán bộ, chiến sĩ rất nhiệt tình và khéo tay; người thì làm thợ mộc, thợ sơn, người kiêm vai thợ sắt, thợ hàn và tích cực vận chuyển nguyên vật liệu…; quyết tâm giúp người dân dựng xong nhà, sớm ổn định cuộc sống trước thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ.
Ông Vàng Tồng Sếnh, Bí thư chi bộ bản Mường Toong 5 và Trưởng bản Vàng Chù Sánh cũng có mặt cùng bộ đội giúp người dân dựng nhà. Quệt vội mồ hôi trên mặt, Bí thư chi bộ Vàng Tồng Sếnh hồ hởi nói: “Bộ đội 379 tốt bụng lắm. Mấy năm nay, tất cả các hộ người Mông chuyển từ Cà Là Pá về đây đều được bộ đội Đoàn 379 giúp vận chuyển đồ đạc, xây dựng nhà và còn tặng trâu, hỗ trợ giống cây trồng… để người dân sớm ổn định cuộc sống”. Trưởng bản Vàng Chù Sánh cũng góp vào câu chuyện: “Từ nay, dân bản mình sẽ ổn định cuộc sống ở đây thôi, không nghe theo kẻ xấu di cư tự do như trước nữa; sống ở Cà Là Pá trước đây khổ lắm cán bộ à!”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Dương Mạnh Hùng cho biết, thời gian đầu triển khai thực hiện Đề án 79, đơn vị gặp nhiều khó khăn, bởi, tập quán bao đời nay của dân tộc Mông là sống du canh, du cư, nên việc đưa bà con về sống tập trung tại bản mới hết sức khó khăn. Các đội công tác của đơn vị thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng đồng bào) để tuyên truyền, thuyết phục nhân dân về nơi ở mới. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị cử những cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm, thạo tiếng của đồng bào dân tộc kiên trì tuyên truyền, vận động về những điều tốt, về quyền lợi mà bà con được hưởng khi chuyển về xây dựng bản mới. Đơn vị còn tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân.
Cùng với vận động người dân rời các bản Húi To, Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, tại các điểm bản mới thuộc xã Mường Toong, đơn vị tiến hành mở đường vào bản, xây dựng các điểm trường mầm non, nhà văn hóa để người dân khi về đây sẽ có ngay các công trình công cộng phục vụ cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước theo Đề án 79, Đoàn KT-QP 379 còn huy động lực lượng, phương tiện giúp người dân vận chuyển đồ đạc, dựng nhà, làm bếp, xây dựng các công trình phụ…, góp phần giúp bà con yên tâm sinh sống, làm ăn tại bản mới. Nhiều người dân từ “miền đất hứa” Cà Là Pá khi biết tin vui ở bản mới cũng bảo nhau chuyển về Mường Toong sinh sống ngày một đông. Tính đến tháng 6-2016, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đã giúp di chuyển được 108 hộ với 375 nhân khẩu (đạt hơn 80%); phấn đấu đến hết năm 2016 sẽ vận động hết các hộ còn lại chuyển về Mường Toong, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất ở vùng đất mới.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.