Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 12:14:41

Binh đoàn Sông Thao 10 năm trên chiến hào biên giới

Ngày đăng: 11/03/2019

QK2 – Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà đúng như ước nguyện của Bác Hồ và toàn dân ta. Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, hậu quả của chiến tranh để lại còn rất nặng nề thì trên các tuyến biên giới Tây Nam, phía Bắc các thế lực thù địch lại đem quân xâm chiếm nước ta.

Trung đoàn 187 bắn chi viện cho mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang năm 1984. (Ảnh:TL)

Cụ thể, rạng sáng ngày 17-2-1979, đối phương bất ngờ đưa hơn nửa triệu binh sĩ và hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép, pháo cối tấn công đồng loạt vào địa bàn 6 tỉnh của nước ta, từ Lai Châu đến Quảng Ninh, với chiều dài 1.200 km. Tuy nhiên họ đã vấp phải sự chiến đấu ngoan cường của quân và dân Tây Bắc. Thời kỳ này LLVT Quân khu chỉ có Sư đoàn 316 vừa mới cơ động từ chiến trường miền Nam ra và các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trước tình hình chiến sự có những diễn biến phức tạp, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ngày 10-3-1979 Quân đoàn 6 hay còn gọi là Binh đoàn Sông Thao được thành lập ngay tại Thậm Thình, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh (sau đổi phiên hiệu thành Quân đoàn 29). Đội hình chiến đấu của Quân đoàn gồm: Sư đoàn 316, Sư đoàn 345; các Trung đoàn địa phương 192, 254 của tỉnh Hoàng Liên Sơn, Trung đoàn 194 của tỉnh Vĩnh Phú; Trung đoàn pháo binh 450; Trung đoàn phòng không 256; Trung đoàn xe tăng – thiết giáp 406… Quân đoàn được Bộ Quốc phòng và Quân khu giao nhiệm vụ:

– Củng cố và xây dựng hoàn chỉnh thế trận chiến tranh nhân dân trên tuyến biên giới, trên hướng phòng thủ chủ yếu của Quân khu.

 – Kiện toàn các đơn vị chiến đấu vừa qua, tổ chức các đơn vị mới. Xây dựng quân đoàn trở thành binh đoàn vững mạnh toàn diện, phòng thủ vững chắc trên hướng chủ yếu của Quân khu, sẵn sàng cơ động lực lượng tác chiến trên các hướng khác.

– Cùng quân và dân trên địa bàn Quân khu sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công xâm lược, các cuộc xung đột, lấn chiếm, giữ vững ổn định tuyến biên giới để nhân dân các dân tộc và địa phương yên tâm đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội. Giúp đỡ xây dựng LLVT địa phương vững mạnh.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao,  Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng về xây dựng chiến tranh nhân dân, về phương thức tác chiến, kết hợp hiệu quả giữa quân chủ lực với bộ đội địa phương, dân quân du kích. Vừa đảm nhiệm hướng phòng thủ chủ yếu của Quân khu, Quân đoàn còn cơ động từng trung đoàn, sư đoàn tăng cường cho hướng Vị Xuyên- Hà Tuyên. Ngày ấy, trên hướng Hoàng Liên Sơn địch tập trung 2 quân đoàn chủ lực là 13-14 và 3 sư đoàn độc lập địa phương. Trước tình thế đó Quân khu đã điều động lực lượng của Sư đoàn 316, Sư đoàn 345, Quân đoàn 29 tăng cường cho tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cán bộ, chiến sĩ của quân đoàn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ chiến đấu ngoan cường, giành giật với địch từng mét giao thông hào, từng ụ đất, bảo vệ các mục tiêu.

Tháng 4 năm 1984, Quân đoàn điều động một lực lượng tham gia tiến công đánh chiếm lại điểm cao 233. Mặc dù lực lượng khá mỏng, vũ khí trang bị còn thô sơ, nhưng với ý chí quyết tâm cao và tinh thần chiến đấu ngoan cường, các chiến sĩ của Binh đoàn Sông Thao đã đánh bại các cuộc tiến công của địch, giữ vững điểm cao 233. Với thành tích xuất sắc này Binh đoàn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đại úy Hoàng Hữu Chuyên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.

Vừa chiến đấu và giúp bà con nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông; rà phá bom mìn, củng cố xây dựng hệ thống công sự trận địa. Quân đoàn đã cử hàng trăm lượt cán bộ tăng cường cho cấp huyện, cấp xã góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đi đôi với việc giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế vùng biên, Quân đoàn đã phối hợp với các địa phương tiếp tục củng cố công sự trận địa thành nhiều tuyến, nhiều lớp, có chiều sâu, hình thành hệ thống trận địa tương đối hoàn chỉnh góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Cuối năm 1989 mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa, chiến tranh biên giới kết thúc. Cũng thời gian này Quân đoàn 29 được giải thể theo quyết định của trên.

10 năm xây dựng và phát triển trên chiến trường Tây Bắc, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Sông Thao đã in đậm trên mỗi nẻo đường, ngọn núi. Cho dù nhiều chiến sĩ đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến hào, nhưng các chiến sĩ của Quân đoàn mãi mãi tự hào vì những đóng góp, hy sinh của mình đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những người lính Quân đoàn luôn tự nhủ sẽ giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng quân đội vững mạnh và cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

      NGUYỄN THÀNH LONG

(Nguyên chiến sĩ Quân đoàn 29)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.