Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 07:11:25

Bệnh đậu mùa khỉ

Ngày đăng: 21/09/2022

QK2 – Hiện nay, dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta có phần phức tạp, nhiều loại dịch cùng diễn ra, phòng chống các loại dịch bệnh nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu các giải pháp chuyên môn phòng chống dịch. Nhân dịp này, Phóng viên (PV) Báo Quân khu có cuộc trao đổi với Đại tá BSCK2 Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 109.

Đại tá Nguyễn Huy Hoàng thăm hỏi các chiến sĩ đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 109.

PV: Hiện nay trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm khá phức tạp, trong đó các loại dịch như: Dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, sốt xuất huyết, cúm mùa, viêm não mô cầu và đặc biệt là bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ đang có dấu hiệu lây truyền khá nhanh. Bác sĩ cho biết khái quát về căn bệnh đậu mùa khỉ?

Đại tá Nguyễn Huy Hoàng: Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Tên bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ việc phát hiện ban đầu về vi rút trên đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu tại Đan Mạch vào năm 1958. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên người được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Công gô vào năm 1970 và sau đó bệnh trở thành lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi.  Các triệu chứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Tỷ lệ tử vong ở khu vực Tây Phi đã được ghi nhận là khoảng 1%, trong khi đối với khu vực lưu vực Công gô tỷ lệ này có thể lên tới 10%. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.

Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ: Từ động vật sang người khi người có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh. Việc lây truyền bệnh từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi.

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO. Theo WHO, Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương có mức nguy cơ xâm nhập của bệnh từ thấp đến trung bình. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh, tuy nhiên khả năng xuất hiện ca bệnh trong thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra khi bệnh đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, hoạt động giao thông đi lại giữa các quốc gia đã được nới lỏng.

PV: Vậy Bác sĩ cho biết các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ?

Đại tá Nguyễn Huy Hoàng: Một loại vắc xin được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được WHO phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và được khuyến cáo tiêm chủng cho những người có nguy cơ (người tiếp xúc gần với người mắc bệnh). Hiện nay, WHO không khuyến cáo việc tiêm chủng rộng rãi vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ do vi rút đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, các đơn vị lực lượng vũ trang, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

NGỌC CƯỜNG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.