Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:01:26

Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn văn hóa

Ngày đăng: 09/05/2016

Với đồng bào các dân tộc Lào Cai, bên cạnh nét văn hóa độc đáo liên quan đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, nhà ở, trang phục, lễ hội; thường có các nghi lễ truyền thống gắn với bảo vệ rừng, môi trường sống. Vì thế, những cánh rừng thiêng, khu rừng cấm tồn tại như một sự linh thiêng, răn dạy con cháu gìn giữ, bảo vệ giá trị cổ xưa, lưu truyền cho muôn đời sau.

Từ những luật tục…

Theo những người già, có uy tín kể lại, từ thuở khai thiên, lập bản đến nay, chưa năm nào đồng bào Hà Nhì ở xã Y Tý (Bát Xát) bỏ qua nghi lễ cúng rừng vào ngày Thìn tháng Giêng. Đây là nghi lễ dựa trên triết lý, rừng là sự sống, thể hiện sự biết ơn “thần rừng” luôn che chở cho dân bản. Ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: Người Hà Nhì luôn quan niệm, mỗi cây rừng mọc lên đều có linh hồn của thần, của tổ tiên, nên không cho phép một ai được chặt phá. Nếu ai vào rừng chặt cây thì người đó sẽ trở thành người bất kính với “thần rừng”, với tổ tiên… Do vậy, hằng năm, người dân cùng nhau bàn luật tục giữ rừng và thống nhất trong lễ cúng rừng thiêng dịp đầu năm. Luật tục này vừa thể hiện ý chí của cả cộng đồng, vừa mang sức mạnh của thần linh, trở thành mệnh lệnh linh thiêng buộc cả cộng đồng tuân thủ.

 Đại diện các thôn, bản ký giao ước bảo vệ rừng.

Đại diện các thôn, bản ký giao ước bảo vệ rừng.

Chính những quy ước bảo vệ rừng của cộng đồng thôn, bản trở thành thiết chế quan trọng trong việc bảo vệ rừng, có vai trò rất lớn để điều chỉnh mọi hành vi của con người. Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Di sản, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Từ lễ hội cúng rừng đã tạo ra những luật tục ở mỗi đồng bào dân tộc, nhắc nhở mọi người quan tâm bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững. Đơn cử như dân tộc Hà Nhì không bao giờ chặt cây tươi về làm củi. Họ quy định, mỗi tuần chỉ mở cửa rừng 1 ngày ở khu rừng trồng, tất cả các hộ gia đình đều được vào lấy củi, nhưng chỉ được lấy củi khô, không được chặt cây tươi… Đặc biệt, theo luật tục của người Hà Nhì, còn có điều khoản: Ai thấy rừng cháy mà không dập lửa,  không thông báo kịp thời cho dân làng biết để cứu rừng cũng sẽ bị phạt nặng bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm với rừng.Cũng là nghi lễ cúng rừng, người Mông ở xã Sín Chéng (Si Ma Cai) lại chọn ngày 6/6 âm lịch hằng năm để tổ chức. Đây là một trong những lễ hội độc đáo và quan trọng nhất trong năm đối với người Mông xã Sín Chéng. Sau phần lễ, dân bản tập trung ở khu đất trống ở cửa rừng để nghe cán bộ thôn, cán bộ kiểm lâm xã triển khai quy ước bảo vệ và phát triển rừng; cam kết không thả rông gia súc, không đốt rừng, chặt phá cây rừng… Còn đồng bào Nùng Dín ở huyện Mường Khương, nghi lễ cúng rừng được tổ chức vào tháng Bảy âm lịch hằng năm. Cũng là một nghi lễ mang tín ngưỡng dân gian, nên lễ cúng có luật tục riêng. Trong đó quy định, những người có vợ mới đẻ chưa đầy tháng, bố mẹ, anh chị em chết chưa đầy 1 năm, không được tham gia lễ cúng. Đến tham gia lễ cúng chỉ có con trai đại diện cho các hộ trong thôn, phụ nữ không được tham gia. Người tham gia lễ cúng, đầu phải đội mũ hoặc quấn khăn, không được để đầu trần và chỉ nói tiếng Nùng. Sau lễ cúng, trong 3 ngày liên tiếp, mọi người trong bản không được đội mũ ra, vào thôn, không được chặt cây, bổ củi, cắt cỏ, cắt rau xanh. Đặc biệt, cấm phụ nữ ra, vào khu rừng cấm trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ cúng và suốt thời gian cấm rừng. Nếu người nào hoặc gia đình nào vi phạm, bị dân làng phát hiện và bắt giữ thì phải tự bỏ tiền mua gà, vịt, lợn làm lại nghi lễ cúng rừng, nhằm tạ lỗi với thần linh.

… Đến ứng xử nhân văn với rừng

Ngày nay, nghi lễ cúng rừng trong những ngày đầu năm mới của một số đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá… không bó buộc trong phạm vi sinh hoạt văn hóa của bản, mà còn được phát triển, mở rộng, mang tính cộng đồng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn liền với Tết trồng cây đầu xuân. Năm nay, lễ cúng rừng của đồng bào Dao đỏ ở xã Gia Phú (Bảo Thắng) được tổ chức tôn nghiêm vào đúng Rằm tháng Giêng. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống với ý nghĩa tri ân “thần rừng”. Sau lễ cúng, đồng bào Dao đỏ cùng nhau tham gia trồng cây, nhằm giáo dục thế hệ trẻ tích cực bảo vệ, phát triển rừng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, phục vụ sản xuất và đời sống, cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu.

Không chỉ lễ cúng rừng của người Dao đỏ ở xã Gia Phú, mà hầu hết sau nghi lễ cúng rừng của một số dân tộc Mông, Phù Lá, Nùng Dín…, bà con trong bản cùng nhau trồng nhiều cây xanh để cảm tạ “thần rừng” và ký cam kết bảo vệ rừng. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai luôn tin rằng, trong rừng có “thần rừng” cai quản và che chở, phù hộ cho dân làng trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, “thần rừng” được sùng kính như đối với ông bà, tổ tiên. Hiện nay, ở các bản vùng cao hầu hết đều có khu rừng cấm với những quy định “bất khả xâm phạm”.

Phát huy giá trị “rừng vàng”, không chỉ bảo vệ rừng, giờ đây đồng bào vùng cao đã biết phát triển kinh tế rừng theo hướng hiệu quả, bền vững. Những cánh rừng cứ thế ngát xanh bởi cộng đồng luôn ứng xử nhân văn với rừng. Bên cạnh gìn giữ, bảo tồn những cánh rừng nguyên sinh, cổ thụ, thì trồng rừng kinh tế và những mô hình phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cũng được nhiều địa phương chú trọng. Mới đây, ngành nông nghiệp đã triển khai dự án bảo vệ rừng gỗ nghiến, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên gắn với bảo tồn văn hóa cúng rừng của người Mông xã Nậm Chảy (Mường Khương). Trong đó, có mục tiêu cải thiện thu nhập cho người dân Nậm Chảy thông qua các mô hình phát triển sinh kế và chia sẻ lợi ích trong cộng đồng. Mô hình thành công, khẳng định hiệu quả việc gắn bảo vệ rừng với bảo tồn bản sắc văn hóa…

Mỗi dân tộc thiểu số ở Lào Cai đều có những quan niệm về rừng khác nhau theo tín ngưỡng riêng, có những nghi lễ khác nhau, tổ chức vào những thời điểm khác nhau trong năm, nhưng tựu chung lại, tất cả đều thể hiện được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng gắn với bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc; vừa mang giá trị sinh thái, bảo vệ môi trường, vừa có ý nghĩa giáo dục, giữ gìn phong tục của cha ông, hướng tới cuộc sống no ấm.

(Theo THANH CƯỜNG – Lào Cai online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.