Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 05:26:23

Bảo vệ “Ngày hội lớn” của đất nước

Ngày đăng: 17/05/2021

Bài 3: Đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng

QK2 – Ngày hội bầu cử, ngày hội non sông đang đến gần. Giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực sự là ngày hội của non sông thì các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, kích động xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử. Bên cạnh một số thủ đoạn đã nêu ở hai bài trước, thì một số phần tử chống đối tiếp tục tung ra những luận điệu nhằm kích động một bộ phận cử tri không biết, không bầu, không tham gia bầu cử.

Ảnh minh họa.

Trên một số trang mạng xã hội có địa chỉ máy chủ ở nước ngoài và một số phần tử ở nước ngoài gọi điện về nước chỉ đạo các đối tượng tăng cường chống phá, họ lợi dụng các chức sắc tôn giáo vận động người dân đòi hỏi việc đền bù giải phóng đất đai, đặt điều kiện giải quyết khiếu kiện để được chia đất, nếu không sẽ kích động một bộ phận cử tri là giáo dân không đi bầu cử. Một số chức sắc tôn giáo còn lợi dụng thời điểm cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị cho bầu cử, đã kích động giáo dân tụ tập giảng đạo, cầu nguyện mà còn lồng ghép tuyên truyền cho giáo dân không tham gia bầu cử; nếu có đi bầu cử thì kêu gọi gạch tên các ứng cử viên là cán bộ, đảng viên do Đảng giới thiệu, ủng hộ người ngoài Đảng và những người tự ứng cử; đưa ra những hạch sách không chính đáng, trái pháp luật hòng gây khó khăn cho công tác chuẩn bị và tiến hành bầu cử.

Tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, là tiêu chí của dân chủ được pháp luật bảo vệ. Điều 95, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: "Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự". Việc xử lý các hành vi vi phạm nói trên, Điều 160, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định: “Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”…

Lịch sử đất nước trước Cách mạng Tháng Tám, gần một thế kỷ trong đêm trường nô lệ, người dân Việt Nam sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, người dân không được hưởng quyền và nghĩa vụ đối với đất nước. Khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, chỉ vài tháng sau, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bầu đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập diễn ra. Đây là ngày hội lớn đầu tiên của non sông kể từ Quốc khánh 2/9/1945.

Ngay trước ngày hội lớn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người khẳng định: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn…”.

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình mọi mặt hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước thời ấy, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Tuy thế, kết quả Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra tốt đẹp; 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Quốc hội đầu tiên của đất nước ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ của Việt Nam. Thắng lợi đó là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam độc lập. Thành quả ấy, mỗi người dân Việt Nam đều được hưởng trọn vẹn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: "Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết".

Rõ ràng, được tham gia bầu cử đó là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của mọi công dân. Những người cản trở, xúi giục công dân chối bỏ, phá hoại cuộc bầu cử đó là vi phạm pháp luật. Mặt khác, đã là công dân Việt Nam thì có quyền tự hào, có trách nhiệm với từng lá phiếu bầu cử của mình. Nếu nghe theo những kẻ xấu xúi giục, chối bỏ quyền lợi trách nhiệm với đất nước là đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc, trong đó có bản thân mỗi chúng ta. Trực tiếp đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện cho mình tham gia Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp là yêu nước, là nghĩa vụ, là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Mỗi công dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang có trách nhiệm đấu tranh loại bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ cuộc bầu cử thành công.

SONG VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.