Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 02:16:16

Bảo vệ giá trị văn hóa Việt Nam

Ngày đăng: 10/03/2022

QK2 – Hiện nay tình trạng lợi dụng các giá trị văn hóa trong hoạt động nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây nhiễu loạn trong nhân dân đang diễn ra ở một số nơi. Vậy nguyên nhân của những thực trạng này là gì? Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là do “cuộc xâm lăng văn hóa” đang nhằm vào văn hóa nước ta bằng nhiều con đường, nhiều hình thức với những âm mưu và thủ đoạn thâm độc, đặc biệt, chúng lợi dụng triệt để Internet để truyền bá các tư tưởng lai căng, các sản phẩm văn hóa và thông tin xấu độc.

Chiến sĩ Sư đoàn 316 tìm hiểu thông tin trên Báo QĐND.

Một bộ phận giới trẻ đang sa đà vào lối sống “3 độc” thực dụng: “sống gấp”, “sống thử”, “sống ảo”, thay vì xem, đọc các tài liệu, cuốn sách tinh hoa cổ có giá trị “3 gốc” giáo dục nhân cách đạo đức, lịch sử, văn học lại nghiện game, nghiện xem phim hành động bạo lực, thậm chí xem phim sex, không quan tâm tới những gì đang diễn ra xung quanh, bàng quan, vô trách nhiệm với chính những người thân yêu, ruột thịt của mình. Các vụ ly hôn trong các gia đình trẻ ngày càng nhiều, tình trạng vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ án, lớp trẻ ngày càng sa vào chủ nghĩa cá nhân, đua đòi, vay nặng lãi để ăn chơi, sống thực dụng, buông thả, xa rời lý tưởng, vô cảm với thành quả mà các thế hệ cha ông đã phải đổ bao xương máu mới có được vinh quang như ngày nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Người cũng chính là biểu tượng của cốt cách, tâm hồn văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-1946, Bác đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, như vậy chúng ta đã hiểu được văn hóa có vị trí, vai trò hết sức quan trọng bởi nó là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời, văn hóa là cách nhận biết rõ nét nhất giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hoá, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hoá nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, bên cạnh việc tiếp thu, hấp thụ những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đảo lộn, ngày càng nhiều hành vi phản văn hóa, phi giáo dục diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi.

Trước thực trạng lợi dụng các giá trị văn hóa trong hoạt động nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây nhiễu loạn trong nhân dân, rất cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành. Trong đó, trước mắt là làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng và tạo thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, để mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Có như vậy mới thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, văn hóa có vai trò vô cùng to lớn, do vậy cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì việc “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.