Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 06:44:10

Bảo vệ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta

Ngày đăng: 21/08/2019

QK2 – Ngày 1-7-2019, Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực thi hành. Lợi dụng sự kiện này, trên một số trang báo mạng, blog phản động, một số kẻ xấu đã đăng tải bài viết, có nội dung cho rằng: Luật ra đời chỉ nhằm “bao che tội phạm và bảo vệ tài sản cho kẻ tham nhũng… thể hiện rõ ở hai lĩnh vực đó là kê khai tài sản và không giám tịch thu tài sản có nguồn gốc bất minh”.

Thực tiễn cho thấy, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay là hoàn toàn phù hợp, đều trên cơ sở Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 20-11-2018 với 10 chương, 98 điều, trong đó có tiểu mục 2 gồm các Điều từ 33 đến 40 đã chỉ rõ, đối tượng kê khai là cán bộ, công nhân viên chức; chủ thể tiếp nhận và quản lý nội dung kê khai là các cơ quan Đảng, Nhà nước Việt Nam – người đại diện quyền và lợi ích của nhân dân Việt Nam, nơi mà cán bộ, công nhân viên chức trực tiếp làm việc và được trả lương, thu nhập. Điều này hoàn toàn phù hợp với thể chế, nguyện vọng của nhân dân ta, vì Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, tài sản trên đất nước ta đều thuộc về nhân dân, Nhà nước là tổ chức đại diện quản lý.

Chiến sĩ Lữ đoàn 406 tìm hiểu Luật PCTN sửa đổi trên Báo QĐND.

Mặt khác, luật cũng dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc về quyền con người và phù hợp với Hiến pháp Việt nam về quyền tự do sở hữu của cá nhân. Hơn nữa, lương, thu nhập chính đáng mà cán bộ, công nhân viên chức có được là do Đảng, Nhà nước, các tổ chức mà cán bộ, công chức đang trực tiếp tham gia lao động, công tác trả cho, nên nguồn gốc tài sản chỉ có thể được kiểm soát bởi Nhà nước, các tổ chức nơi họ làm việc.

Bản chất của chống tham nhũng của Đảng ta là chống những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng tài sản của Nhà nước, Nhân dân, nên Nhà nước cũng là nạn nhân của hành vi tham nhũng của cá nhân, do đó, họ có quyền yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức kê khai tài sản, thu nhập. Khi xảy ra tham nhũng, chỉ Nhà nước với các công cụ pháp lý, quyền lực mới có thể xác minh, điều tra, trừng phạt và thu hồi tài sản… Do đó, việc cán bộ, công chức kê khai tài sản trước Đảng, Nhà nước mà không phải trước bất kỳ cá nhân nào khác là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.

Mới đây, ngày 26-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp Phiên thứ 16 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2019. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, cùng với những thành tựu chung của đất nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn, nổi bật là: Tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN). Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong PCTN; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Nhiệm vụ phòng, chống và tịch thu tài sản tham nhũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện và thu nhiều kết quả tích cực: Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý; đã kiến nghị thu hồi trên 260 ngàn tỷ đồng, hơn 12.000ha đất. Đáng chú ý là, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được chú trọng hơn (vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỉ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỉ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỉ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỉ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỉ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỉ đồng… chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng)…

Có thể khẳng định, chưa bao giờ Đảng ta bao che và bảo vệ tài sản cho những cán bộ tham nhũng, mà đã tích cực tổ chức kê khai và tịch thu tài sản tham nhũng. Một số ý kiến đã cố tình xuyên tạc Luật phòng, chống tham nhũng 2018 và thực tế công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, hạ thấp uy tín, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là âm mưu phản động, cần phải đấu tranh, bảo vệ công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.