Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:50:55

Bánh Giầy làng Mộ Chu Hạ

Ngày đăng: 04/04/2020

QK2 – Từ xa xưa, bánh Chưng, bánh Giầy được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Nhưng bánh Giầy làng Mộ Chu Hạ (Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ) còn gắn với lịch sử vị Hoàng đế nhà tiền Lê – Vua Lê Đại Hành.

Những chiếc bánh được chọn dâng lên các Vua Hùng.

Trong công cuộc chống quân Tống của nhân dân ta, một lần Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cho quân sĩ rút lui đến làng Mộ Chu Hạ thì trời tối, người ngựa đều mệt mỏi. Vua cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau dân làng giã bánh Giầy dâng vua để mang theo làm lương thực (hôm đó là ngày mồng 10 tháng Giêng), nhờ những chiếc bánh Giầy ấy mà tinh thần quân sĩ sung sức đánh giặc. Kể từ đó, mỗi năm 2 lần, hội thi giã bánh Giầy đã trở thành truyền thống của người dân làng Mộ Chu Hạ. Vì vậy, không chỉ tháng Giêng mà mỗi dịp chuẩn bị tới lễ giỗ Tổ, tiếng chày của làng lại nhịp nhàng vang.

Từ chiều hôm trước ngày thi, phần tế lễ diễn ra tại đình làng Mộ Chu Hạ. Trong phần tế lễ có 1 khâu quan trọng đó là lấy nước từ Ngã ba sông Hạc để ngâm gạo và thổi xôi. Ngày hôm sau, khi công tác chuẩn bị được hoàn tất, chọn giờ hoàng đạo ông chủ lễ đánh hồi trống hiệu lệnh chạy quân xung quanh đình. Sau đó 4 đội tề tựu trước sân thành 4 hàng dọc làm lễ trước khi vào cuộc thi.

Để làm ra được một chiếc bánh Giầy dâng cúng Vua Hùng phải chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn. Gạo làm bánh là nếp hoa vàng, khi chọn gạo không được lấy tay chọn mà phải dùng đũa, hạt gạo mẩy đều, không nứt, vỡ đôi. Cả làng dành một sào ruộng, giao cho một gia đình có 2 con, đủ nam, đủ nữ để chuyên trồng gạo nếp làm bánh Giầy tiến cúng. Dân làng tạo ra một loại dầu không độc hại đến sức khỏe bôi vào cối và chày, để khi giã bánh không dính.

Trước khi vào giã bánh, các thanh niên tham gia đội giã bánh phải làm thủ tục theo sự hướng dẫn của chủ tế, mỗi lần chủ tế hô to, theo nhịp thì các thành viên giãn đều, cầm chày dâng ngang, cao ngang vai bái theo mệnh lệnh: Nhất thiên bái (bái trời), Nhị địa bái (bái đất), Tam thánh bái (bái người được thờ) và sau một hồi trống, xôi được đưa vào cối và bắt đầu từng nhịp chày vang lên xen lẫn tiếng hò reo ca múa.

Bánh Giầy giã xong được chọn đủ 18 chiếc bánh đẹp nhất của 4 giáp dâng lên đền Thượng làm lễ cầu mong Vua Hùng ban phước cho muôn dân.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ hình dáng, hương vị vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn và dâng lên các Vua Hùng trong ngày lễ giỗ Tổ, trở thành nét đẹp văn hoá, truyền thống đất Tổ.

VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.