Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:01:32

Ban hành Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là cần thiết

Ngày đăng: 30/10/2015

Về sự cần thiết ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân, viên chức quốc phòng (CN,VCQP), theo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội thì trong thời qua mặc dù Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến QNCN và CN,VCQP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ QNCN và CN,VCQP, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng QĐND trong tình hình mới, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến QNCN và CN,VCQP đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Từ thực tế, văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về vị trí, chức năng của QNCN và CN,VCQP trong tổ chức biên chế của Quân đội, nên trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng đội ngũ QNCN và CN,VCQP có lúc, có thời điểm hiệu quả chưa cao, lãng phí nguồn nhân lực. Vì vậy, việc xác định rõ vị trí, chức năng của QNCN và CN,VCQP trong tổ chức biên chế của Quân đội là rất cần thiết, làm cơ sở để góp phần xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hoạch định chế độ, chính sách cho các đối tượng này phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Về hạn tuổi phục vụ của QNCN theo các văn bản pháp luật đã ban hành đến nay không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng QĐND. Việc quy định QNCN được nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi đang cần cho Quân đội đã gây lãng phí nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội. Mặt khác, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, để được hưởng mức lương hưu là 75%, người lao động phải có từ 35 năm đóng BHXH trở lên đối với nam và 30 năm đóng BHXH trở lên đối với nữ. Việc QNCN chỉ phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi như quy định hiện hành sẽ không đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu là 75% do chưa đủ thời gian đóng BHXH, nên đã ảnh hưởng lớn đến tâm tư nguyện vọng, đời sống của QNCN và gia đình.
Quy định về chế độ, chính sách đối với QNCN và CN,VCQP như hiện nay chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng phục vụ trong Quân đội; chưa thể hiện được tính đặc thù quân sự là ngành lao động đặc biệt. Là công dân phục vụ trong Quân đội, song chính sách về tiền lương của CN,VCQP chỉ được thực hiện như công chức, viên chức nhà nước có cùng vị trí, chức danh mà không được hưởng chế độ, chính sách theo tính chất đặc thù quân sự và chế độ phụ cấp thâm niên như một số ngành nghề và các đối tượng phục vụ khác trong Quân đội.
QNCN là đối tượng phục vụ tại ngũ theo chế độ tự nguyện, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật nghĩa vụ quân sự, do vậy cần phải có văn bản pháp luật quy định riêng về chế độ phục vụ của QNCN, CN,VCQP. Là thành phần trong tổ chức biên chế của QĐND nhưng đối với CN,VCQP chưa có văn bản pháp luật quy định, điều chỉnh riêng. Mọi chế độ, chính sách đối với CN,VCQP đều phải vận dụng theo các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Bộ luật lao động, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật bảo hiểm xã hội.
Từ thực tiễn nêu trên, Chính phủ khẳng định việc xây dựng dự án Luật QNCN và CN,VCQP là cần thiết.
NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.