Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:59:36

Bài học sau mưa lũ

Ngày đăng: 30/10/2017

60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương. Đó là những con số đau lòng do đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 10-10 đến ngày 14-10 gây ra. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề này ngoài yếu tố khách quan, còn do sự chủ quan, lơ là của con người. Do nước lên quá nhanh nên người dân không kịp trở tay. Nhiều người dân lâm vào cảnh mất nhà cửa, người thân chỉ trong vòng 1 đêm. Thậm chí, chỉ sau một vài giờ đồng hồ, hàng trăm ngôi nhà đã bị ngập sâu trong nước. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm bị phá hủy nghiêm trọng.

Chỉ rõ nguyên nhân thiên tai là do “phá rừng, xẻ đồi” và phải ngăn chặn được nó mới ngăn những thảm họa sẽ tái diễn. Bởi để có lại những cánh rừng ngăn lũ phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, trong khi mưa lũ thì năm nào cũng có. Mặc dù Lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng được ban hành, nhưng những vụ phá rừng hàng chục, hàng trăm hecta vẫn diễn ra trong thời gian qua. Và thiên tai, đang ngày một tàn khốc hơn.

Căn nguyên của những trận mưa lũ lịch sử này được xác định chủ yếu là do rừng không còn dẫn đến những cơn mưa lũ, sạt lở đất bất ngờ. Lũ quét qua chỉ trong thoáng chốc, nhưng đã làm bản Bang, xã Mường Bang, huyện Phù Yên (Sơn La) tan hoang, xơ xác. Khắp bản giờ là đá, bùn đất. Cả bản hơn 40 nóc nhà, thì 9 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 17 nhà phải sơ tán, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Toàn bộ diện tích lúa sắp cho thu hoạch cũng bị vùi lấp, mất trắng. Tỉnh lộ 114 nối từ xã Mường Do đến Mường Bang chỉ dài hơn 12 km nhưng có đến gần 40 điểm sạt lở. Cơn nước dữ kèm theo bùn đất, đá tảng cứ ầm ầm kéo xuống, không gặp bất cứ trở ngại nào bởi nơi đây rừng đã không còn từ lâu. Trắng tay không còn thứ gì, trên người còn mỗi bộ quần áo là hoàn cảnh chung của nhiều hộ dân vùng lũ Phù Yên những ngày này. Trận mưa lũ lịch sử hôm 10 và 11-10 xảy ra trên địa bàn các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái đã gây ra hậu quả nặng nề về người và tài sản. Thống kê sơ bộ đến nay, tỉnh Yên Bái có 28 người chết và mất tích, 9 người bị thương; phá hủy nặng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công trình công cộng và tài sản, hoa màu của nhân dân. Thiệt hại ước tính trên 500 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện Tam Nông, Thanh Sơn (Phú Thọ), hàng nghìn lồng cá bị nước phá tan, cuốn trôi, hàng trăm hécta lúa đông bị ngập nước… Cơ sở hạ tầng điện, thông tin liên lạc cùng nhiều công trình của Nhà nước và nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều diện tích lúa, hoa màu, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Cuộc sống trước mắt của người dân vô vàn khó khăn khi nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy, nhà cửa và các phương tiện sản xuất như ruộng, nương, ao cá không còn.

Ngoài ra, chính quyền một số địa phương còn bị động trong công tác ứng phó. Khi có lũ lớn, cán bộ xã và cán bộ, chiến sĩ Quân khu phải đến từng hộ dân để vận động bà con di dời nhưng do phong tục tập quán, người dân bất chấp nguy hiểm vẫn ở lại; thậm chí tại nhiều khu vực ở miền núi, người dân phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người. Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán.

Kinh nghiệm đối phó với siêu bão số 10 cho thấy, dù bão to nhưng do có sự chủ động chu đáo từ trước nên thiệt hại trực tiếp không nặng. Trước thời điểm bão đổ bộ, các ban ngành, chính quyền các địa phương và người dân đều có ý thức phòng tránh, không chủ quan, lơ là. Hàng chục nghìn hộ dân được di chuyển đến nơi an toàn. Còn mưa hoàn lưu sau áp thấp nhiệt đới vừa qua lại gây hậu quả nặng nề. Đây là bài học đắt giá, để các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân vùng gánh chịu hậu quả thiên tai phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong thời gian tới.

NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.