Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 05:43:47

Bài học kinh nghiệm được rút ra sau một nhiệm kỳ hoạt động

Ngày đăng: 23/03/2016

Sau 5 năm hoạt động, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Nhà nước vừa có báo cáo trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước kết quả công tác cả nhiệm kỳ. Các báo cáo được trình bày trong các phiên họp của Quốc hội ngày 22-3…

Nhìn chung, các bản báo cáo đề cập đầy đủ, cụ thể những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế, thiếu sót, thể hiện tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan Nhà nước trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Điểm nổi bật là các báo cáo này đều nhấn mạnh đến những bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm hoạt động. Đây sẽ là di sản quý cho nhiệm kỳ kế tiếp kế thừa và phát huy…

Quốc hội gắn bó chặt chẽ với nhân dân

Mở đầu phiên họp buổi sáng, thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội. Báo cáo nhấn mạnh tới 8 bài học kinh nghiệm được Quốc hội khóa XIII rút ra “sau 5 năm hoạt động với những kết quả đạt được đáng trân trọng và tự hào”.

Đó là các bài học về sự kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIII đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội; chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội có năng lực, trình độ đã góp phần thiết thực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; đề cao vai trò, trách nhiệm, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp có hiệu quả với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan là yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; tăng cường hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; đổi mới tổ chức và hoạt động bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; quán triệt, thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, luôn vì lợi ích của đất nước, của nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành trọng trách được nhân dân ủy thác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.Ảnh: TTXVN

“Bài  học lớn nhất mà chúng ta chia sẻ cùng nhau là bài học về tư cách làm người đại diện cho dân, với tinh thần vì nhân dân phục vụ như sinh thời Bác Hồ đã căn dặn. 5 năm qua, toàn bộ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu chúng ta đều hướng tới mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; làm Hiến pháp, làm luật vì dân, giám sát để phục vụ dân; là đại biểu sống trong dân, được nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động. Đó chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Quốc hội, là bản chất cốt lõi của chế độ dân chủ của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch nước – biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh của khối đại đoàn kết

Tiếp sau báo cáo của Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Sau khi điểm lại những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, Chủ tịch nước rút ra 7 bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ hoạt động.

Thứ nhất là bám sát nhiệm vụ được giao, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Quốc hội.

Thứ hai là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước và vai trò điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Thứ ba là trọng dân và gần dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng và giữ gìn hình ảnh người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực sự là biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng.

Thứ tư là thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri, của các bộ, ngành và địa phương, chuyên gia và cộng tác viên, dư luận trong nước và quốc tế về những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề hệ trọng của đất nước liên quan đến kinh tế-xã hội, đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, với Quốc hội, với Chính phủ có chủ trương và chính sách phù hợp, hiệu quả.

Thứ năm là thường xuyên thăm hỏi, động viên, kiểm tra, nắm chắc tình hình mọi mặt của lực lượng vũ trang nhân dân để tham gia góp ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ sáu là mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực, các đối tác quan trọng, các đối tác phát triển để thúc đẩy mối quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ bảy là kiên trì thực hiện đồng bộ công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW năm 2005 của Bộ Chính trị, tạo bước đột phá trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các cơ quan tư pháp.

5 bài học của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm được rút ra sau nhiệm kỳ hoạt động 2011-2016.

Theo đó, phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất; tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.

Phải bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; chú trọng đánh giá đúng tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và được nhân dân đồng tình ủng hộ; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời với diễn biến mới của tình hình; bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay; đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu; lấy kết quả thực hiện để đánh giá tính đúng đắn của chính sách và năng lực quản lý điều hành.

Trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân; chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện nhất quán, thiết thực phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển; tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế, phải tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phải thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước và các bản báo cáo thẩm tra.

Ngày 23-3, Quốc hội tiếp tục làm việc.

(Theo CHIẾN THẮNG – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top