Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 05:58:50

“Chiếc cần câu thoát nghèo” ở cực Tây Tổ quốc

Ngày đăng: 04/08/2019

Bài 2: Trên quê hương thứ hai

QK2 – Ngay từ khi nhận được quyết định lên miền cực Tây Tổ quốc, nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 đã nghĩ đến những khó khăn vất vả gặp phải. Khi đặt chân lên mảnh đất này, họ thấy cái khó gấp trăm lần so với tưởng tượng. Một cuộc sống hoàn toàn khác so với dưới miền xuôi.

Có những người mang theo cả gia đình. Hòa mình với cuộc sống của người đồng bào dân tộc, chịu thiếu thốn đủ đường, có lúc tưởng chừng lâm vào bế tắc. Vợ khóc, người thân khóc, nhưng với trái tim nhiệt huyết, bản lĩnh kiên cường của người đảng viên và phẩm chất được trui rèn trong môi trường quân ngũ của người lính, họ dần vượt qua khó khăn giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

BẢN LÀ NHÀ

Đến Sở chỉ huy Đoàn KT-QP 379, chúng tôi đi tham quan một vòng. Điểm dừng chân là căn nhà cấp 4 lợp mái Bro-xi-măng cạnh khuôn viên của đơn vị. Điểm ấn tượng của ngôi nhà là xung quanh có mô hình VAC. Trên mặt ao rộng lớn có hàng trăm con ngan, vịt. Quanh ao dàn bầu bí, mướp quả trĩu trịt. Ngay cạnh có chuồng nuôi lợn vài chục con. Chúng tôi đứng cửa quan sát bên trong ngôi nhà khá đơn giản, với bộ bàn ghế và chiếc giường tất cả đã cũ, mấy bộ quần áo, quân phục treo gọn gàng. Bỗng có tiếng từ đằng xa vọng lại: “Anh hỏi ai đấy?”. Chúng tôi quay lại chào, “chủ nhà” tự giới thiệu là Đại úy QNCN Phạm Quang Chính, nhân viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1, Đoàn KT-QP 379. “Đây là tổ tăng gia làm mô hình kinh tế của Đội 1”. Quan sát anh Chính một lượt, tôi chợt ồ lên và hỏi: “Có phải vợ chồng anh là cặp vợ chồng duy nhất gắn bó với Đoàn KT-QP từ ngày đầu thành lập đến nay không?”. Một thoáng bất ngờ, anh Chính vội đáp: “Vâng. Vợ chồng tôi lên đây trước khi Đoàn KT-QP 379 chính thức được thành lập một năm?”. Bước vào trong căn nhà mờ mờ tối, rót chén nước nhân trần anh Chính kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vợ chồng anh gắn bó với mảnh đất này.

Năm 1998, vợ chồng anh Chính mới kết hôn được một tuần thì anh nhận nhiệm vụ lên Đoàn KT-QP Mường Chà (tiền thân của Đoàn KT-QP 379, ở huyện Mường Chà, tỉnh Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên) công tác. Vợ mới cưới. Nhận nhiệm vụ công tác tận khu vực miền núi Tây Bắc. Đi lại khó khăn, để vợ lại ở quê không đành. Nghĩ vậy, anh Chính bàn với vợ và gia đình nội ngoại hai bên. Anh vừa đề xuất ý kiến vợ anh đã bật khóc: “Đồng lương của anh vài chục nghìn đồng, sinh hoạt không đủ. Giờ kéo nhau lên núi ở. Anh em họ hàng không có, nhà cửa cũng không. Biết sống thế nào?”. Họ hàng hai bên bàn tính xôn xao. Giữa cơn bão lòng, anh Chính suy nghĩ, nhiệm vụ giao, là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một người lính Cụ Hồ không thể thoái thác. Thôi đành cùng lo, xách ba lô lên và đi rồi tính. Ngày vợ chồng anh Chính dắt nhau lên nhận nhiệm vụ, bố mẹ hai bên người thì khóc thầm, người sụt sùi thương con cháu.

 

Đại úy QNCN Phạm Quang Chính chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Vợ chồng anh Chính lên đến nơi, đơn vị nhà ở vẫn chưa có nhà kiên cố, phải ở tạm trong những chiếc nhà bạt. Gia đình anh được ưu tiên cho ở tạm trong cái nhà bạt cạnh đơn vị. Dân cư địa phương thưa thớt, mấy quả đồi mới có một hộ dân. Đi mấy chục km mới ra trung tâm xã nên cũng không làm ăn buôn bán được gì. Những ngày đầu vợ chồng anh cùng làm việc, tăng gia cùng bộ đội, chia sẻ bát cơm. Thấm thoát đã hơn 20 năm, vợ chồng anh Chính đã mua đất, xây nhà gắn bó với mảnh đất này.

Câu chuyện của Trung úy QNCN Lê Khắc Dũng, cùng Tổ công tác với anh Chính cũng có hoàn cảnh tương tự. Anh Dũng quê ở Thanh Hóa, về Đoàn KT-QP 379 công tác cũng gần 20 năm. Lấy vợ người địa phương, gắn bó lâu dài với mảnh đất này, trở thành quê hương thứ hai.

Chuyện những người lính, những người đảng viên tiên phong lên vùng cực Tây Tổ quốc công tác, lập gia đình và ở hẳn trên này không phải là chuyện hiếm. Vì đường sá xa xôi, vì điều kiện, hoàn cảnh công tác. Và hơn hết, họ đã yêu mảnh đất và con người nơi đây. Họ cùng với người đồng bào chinh phục núi rừng, đất sỏi đá hóa thành lương thực thoát nghèo.

GIÚP ĐỒNG BÀO THOÁT NGHÈO

Ở đây, bộ đội với người dân, bất kể dân tộc nào cũng đều coi là anh em, gần gũi như máu mủ ruột già. Giữa muôn vàn cái khó khăn thiếu thốn về vật chất, thì tình cảm chính là sợi dây liên kết vững chắc để cán bộ, đảng viên, bộ đội bám bản, bám dân. Trở lại câu chuyện của anh Chính, anh kể: “Lên đây thực sự là nhiều điều cơ cực, thiệt thòi. Cháu đầu nhà mình đã vào đại học năm thứ hai. Cháu nhỏ đang học mẫu giáo. Nhưng khi cả hai cháu lên 4 tuổi đều phải gửi về dưới xuôi nhờ ông bà nuôi, cho đi học. Vì điều kiện học hành trên này không đảm bảo tốt. Một năm, hai vợ chồng thay nhau về thăm con được 4-5 lần”. Chuyện con cái đã vậy, còn chuyện bố mẹ, anh em họ tộc là miền mong ngóng, nhớ thương, xa cách. Cảm xúc, tình cảm như vậy nhưng không hề làm những người lính, những người đảng viên như anh Chính yếu mềm. Anh chính nói ngay: “Mình là người lính, là người đảng viên luôn trong tâm thế sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Và điều quan trọng, khi đến đâu thì coi nơi đó là quê hương, người dân là anh em. Yêu dân, được dân đùm bọc, giúp đỡ, đó chính là động lực để người lính và nhân dân vượt khó khăn”.

Nghe anh Chính nói, anh Dũng xúc động nhớ lại, năm 2006, anh Dũng được điều động về Đoàn KT-QP 379 công tác, là đảng viên xuống bản Vàng Lếch (nay là bản Nậm Tin) xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ cắm bản. Lúc đó người dân  bản Vàng Lếch nghèo lắm. Chủ yếu là người Mông, hay di cư tự do, họ không biết trồng rau, chỉ đốt rừng làm nương nên thiếu đói triền miên. Mua gói muối phải đi vài chục km. Có tiền mua thực phẩm người dân cũng không bán. Vậy là anh Dũng phải bắt đầu từ việc học tiếng đồng bào, xuống bản “xin việc” người dân. Giúp họ khai hoang, cấp rau giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng. Gắn bó lâu dài với dân bản, tình cảm với mảnh đất, con người cũng nảy sinh. Khi anh Dũng lấy vợ trên địa bàn đóng quân, người dân địa phương càng thêm tin tưởng, coi như người con của bản. Họ nghe theo anh không đốt rừng làm nương, không di cư tự do, học anh trồng rau, chia sẻ gạo muối, lương thực thực phẩm.

Hiện nay, mô hình vườn ao chuồng anh Chính, anh Dũng đang được Đoàn KT-QP 379 giao phụ trách đang phát triển rất tốt. Các anh tin tưởng rằng, sẽ sớm giúp đỡ hộ dân một số bản vùng sâu, vùng xa nơi khó khăn ở huyện Nậm Pồ thoát nghèo. Và anh Chính cũng báo cho chúng tôi một tin vui, sau nhiều năm gắn bó, hiện nay, vợ anh đã được nhận vào làm việc chính thức tại Đoàn KT-QP 379.

Chuyện cán bộ, đảng viên là bộ đội gắn bó với dân nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là vì nhiệm vụ. Nhưng khi bộ đội đi dân nhớ, ở dân thương chỉ có thể xuất phát từ tình cảm từ trái tim. Đến xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ nói chuyện với lão niên người Thái Lò Văn Phó, chúng tôi được biết, trong suy nghĩ của người già, các anh Bộ đội Cụ Hồ, những đảng viên tiên phong lên mảnh đất này chính là “anh hùng” trong lòng dân. Đó là những đảng viên dũng cảm rời xa quê hương, giúp đồng bào dân tộc mở mang văn hóa mới. Kéo người dân bám dân, bám bản, bám biên giới. Theo ông Phó, trong số những cán bộ của Đoàn KT-QP 379 đến xã Nà Hỳ giúp dân, có một người khá đặc biệt, ai cũng quý, cũng thương đó là anh Nguyễn Đình Lương. Anh Lương lên Nà Hỳ từ ngày đầu Đoàn KT-QP 379, thành lập Nông trường 1 ở đây (Bây giờ Nông trường 1 đổi thành Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 8). Ngày đó, anh Lương đã lăn lộn vận động người dân không di, dịch cư tự do, hướng dẫn người dân chăn nuôi, trồng trọt. Triển khai dự án kinh tế của Đoàn KT-QP 379, anh xuống từng hộ gia đình cấp bò, lợn, gà. Không chỉ giúp đỡ đồng bào vật chất, anh Lương còn là cầu nối, hiện thực hóa ý Đảng – lòng dân, giúp người dân biết nếp sống văn hóa, vận động nhân dân phát triển KT – XH, xóa đói, giảm nghèo… Công tác ở đơn vị, giúp dân, rồi anh lập gia đình với một cô giáo người Thái cũng dạy ở bản. Bây giờ vợ chồng anh Lương đã chuyển đi nơi khác nhưng trong trí nhớ của người dân thì họ vẫn dành cho anh nhiều tình cảm.

Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi tới Xí nghiệp 79, Đoàn KT-QP 379 ở xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé gặp được Trung tá Nguyễn Đình Lương. Hiện nay, anh Lương đã là Phó giám đốc Xí nghiệp 79. Khi chúng tôi kể tình cảm của người dân bên xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ dành cho anh. Anh Lương rất xúc động. Anh kể, năm 1998 anh lên cắm địa bàn ở xã Nà Hỳ. Ngày ấy, người dân chủ yếu sống trên núi, trên rừng. Muối quý hơn vàng. Suốt thời gian gắn bó với đồng bào anh Lương triển khai các dự án kinh tế của Đoàn KT-QP 379, hỗ trợ người dân giống vật nuôi như trâu bò, lợn, gà, ngan, cây giống. Hướng dẫn đồng bào kỹ thuật nuôi trồng. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau – Những việc làm của anh được bà con vô cùng yêu quý và tin tưởng. Theo như lời anh Lương “đất lành chim đậu” bà con yêu mến, nên anh cũng nảy sinh tình cảm kết hôn với gái bản, trở thành con em của bản.

Hơn 20 năm, lăn lộn với đồng bào miền biên giới anh chuyển công tác qua nhiều đơn vị của Đoàn KT-QP 379 ở huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà. Đến đâu anh Lương cũng sâu sát với người dân, giúp dân phát triển kinh tế. Hiện nay, Xí nghiệp 61, nơi anh Lương công tác đang triển khai mô hình trồng ngô giống mới. Vụ tới thành công, Xí nghiệp sẽ triển khai áp dụng rộng rãi cho người dân.

Sự bền chí, nỗ lực cống hiến liên tục của hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379, đặc biệt là những con người gắn bó cả tuổi thanh xuân trên vùng đất này, đến nay, hầu hết 40 xã biên giới cực Tây Tổ quốc đều phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hộ gia đình vừa và nhỏ. Những mô hình kinh tế là hướng đi, “chiếc cần câu” thoát nghèo bền vững của người dân.

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đoàn KT-QP 379 giúp dân xây dựng, làm mới 13 công trình thủy nông, thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho khoảng 300ha lúa nước hai vụ; xây dựng 5 bệnh xá quân dân y kết hợp tại các xã biên giới khó khăn…

Bài, ảnh: HÀ BÁCH – VŨ THƯ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.